Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã có Nghị quyết số 01/NQ-HĐND, ngày 10/01/2022 về ban hành quy chế tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII.
Từ đầu năm 2022 đến tháng 4/2023, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã tiếp 264 lượt công dân tại 16 đợt tiếp công dân định kỳ hàng tháng, với 382 nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận, xử lý 331 đơn thư của công dân gửi đến (trong đó, có công dân gửi đơn nhiều lần).
Đến nay, có 282/382 nội dung được giải quyết dứt điểm (đạt 74%). Trong đó, có 85 trường hợp đã giải quyết đúng quy định, nhưng công dân không đồng tình, vẫn tiếp tục đến các buổi tiếp công dân. Còn lại 100/382 nội dung đang được các cơ quan nghiên cứu giải quyết (chiếm 26%). Hầu hết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội, thi hành án,...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề cập nhiều đến giải pháp chú trọng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, trên tinh thần giải quyết đến cùng, dứt điểm từng vụ việc cụ thể, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Từ đây sẽ tránh được các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; công dân đến địa điểm tiếp công dân của các cấp nhiều lần. Các đơn vị, địa phương phải thông tin cho công dân biết trước, ít nhất trước 05 ngày tính đến ngày tiếp công dân định kỳ về kết quả, tiến độ giải quyết các vụ việc công dân đã phản ánh để tránh trường hợp còn trong thời hạn giải quyết nhưng công dân vẫn đến trụ sở tiếp dân.
Theo bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên: công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên tỷ lệ vụ việc đang giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm còn cao. Vẫn còn tình trạng đơn thư gửi đến nhiều nơi; nhiều vụ việc giải quyết chưa thấu đáo, chưa đủ thuyết phục nên mặc dù đúng quy định, nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn thư đến các cơ quan khác để đề nghị xem xét, giải quyết. Một số địa phương, đơn vị chậm giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm để công dân khiếu nại, phản ánh nhiều lần; có vụ việc giải quyết không đúng trình tự, thủ tục quy định, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân,...
Từ thực tiễn hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở cũng nhận thấy: ý thức chấp hành pháp luật của một số công dân còn hạn chế. Công dân đưa ra yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định của pháp luật. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần, qua nhiều cấp, đúng chính sách, pháp luật, thấu tình, đạt lý nhưng người khiếu nại, tố cáo vẫn không chấp nhận kết quả giải quyết, tiếp tục gửi đơn đến nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương, nhất là khi bị đối tượng xấu lôi kéo, kích động.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động phối hợp các cơ quan, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, phát huy hơn nữa vai trò giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài, bức xúc, được dư luận quan tâm.