Chú trọng đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục

Với chủ đề: "Ðoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo", năm học 2023-2024, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị giáo dục có thành tích xuất sắc trong năm học 2022-2023 nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đơn vị giáo dục có thành tích xuất sắc trong năm học 2022-2023 nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023 là năm học quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo thành phố, diễn ra trong bối cảnh bình thường mới sau dịch. Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Lãnh đạo thành phố đặt phát triển giáo dục là mục tiêu hàng đầu, ngân sách dành cho giáo dục luôn được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố. Ngành giáo dục và đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch... thực hiện mục tiêu giáo dục, nỗ lực duy trì ổn định chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Ðồng thời, đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động, áp dụng các phương pháp tiên tiến vận dụng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Quy mô mạng lưới trường, lớp cơ bản được phát triển và phân bố đều khắp các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức, đáp ứng chỗ học cho con em trên địa bàn thành phố.

Năm 2022, toàn thành phố đưa vào sử dụng 51 dự án gồm 874 phòng học mới với tổng mức đầu tư là hơn 2.261 tỷ đồng, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, điểm trung bình môn tiếng Anh của học sinh Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất cả nước. Vị trí này đã được duy trì trong bảy năm trở lại đây. Thành phố đã triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh theo chuẩn quốc tế; thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đột phá thuộc lĩnh vực giáo dục, đi đầu trong nỗ lực đưa các chứng chỉ quốc tế về Anh văn và Tin học vào nhà trường, triển khai thực hiện hoạt động dạy học tiếng Anh tự chọn từ lớp 1...

Tình hình tăng dân số cơ học đã ảnh hưởng đến việc quy hoạch mạng lưới trường học, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Công tác chuẩn bị, dự báo, đánh giá tác động và ứng phó với các thách thức trong hội nhập còn chưa chủ động. Tiến độ xây dựng trường, lớp mặc dù được quan tâm song vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển hiện nay. Ðội ngũ giáo viên ở một số trường chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở một số quận, huyện chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển, thiếu cơ chế thu hút và "giữ chân" giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp.

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục thành phố chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; triển khai thực hiện hiệu quả Ðề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030". Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn tất hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, thực hiện đầy đủ cam kết xây dựng thành phố học tập - là một thành phố cung cấp cho tất cả mọi người cơ hội học tập suốt đời, bất kể tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn hay hoàn cảnh xã hội.

Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: Từ nhiều năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh luôn xem phát triển giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, chú trọng giáo dục toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của học sinh theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ðể nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo, trong năm học này, ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, ngành giáo dục thành phố lưu ý tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục…

Trong khi đó, đồng chí Dương Anh Ðức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị ngành giáo dục và đào tạo xác định "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đồng thời xây dựng môi trường giáo dục tử tế, phát triển mô hình trường học hạnh phúc. Ngành giáo dục cần có giải pháp hài hòa bảo đảm việc xây dựng trường học chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế nhưng vẫn công bằng, kéo giảm khoảng cách về chất lượng giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện cho con em thành phố đều được cung cấp môi trường và dịch vụ học tập tốt nhất, phát triển chất lượng giáo dục theo hướng thực chất thông qua kiểm định chất lượng giáo dục và kết quả các kỳ thi của học sinh.