Chủ tịch Quốc hội Mozambique thăm Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

Tiếp theo chương trình làm việc tại thành phố Cần Thơ, ngày 23/6, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Cộng hòa Mozambique do bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Mozambique dẫn đầu đã đến thăm Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long tại huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Cộng hòa Mozambique chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Cộng hòa Mozambique chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp đón đoàn có lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Mozambique đã nghe lãnh đạo Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu về quá trình hình thành phát triển của viện và những đóng góp cho công tác nghiên cứu khoa học về cây lúa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Được thành lập từ năm 1977 đến nay, Viện đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất, đăng ký lưu hành 180 giống lúa với tên gọi OM. Các giống lúa này đang được canh tác trên khoảng 65% tổng diện tích trồng lúa (khoảng 4,2 triệu hecta vùng đồng bằng sông Cửu Long).

Hiện nay, Viện lúa có tổng diện tích 360ha, trong đó dành 60ha phục vụ công tác thí nghiệm, 220ha sản xuất lúa giống các loại. Các giống lúa của Viện cũng được đánh giá rất cao ở nước ngoài như: Campuchia, Lào, các nước Nam Á và châu Phi.

Ngoài nghiên cứu, lai tạo giống lúa, Viện cũng nghiên cứu sử dùng các sản phẩm phụ từ cây lúa để trồng trọt, như dùng trấu, rơm rạ để trồng nấm, làm giấy, phát triển những sản phẩm mỹ phẩm chiết xuất từ dầu gạo, nghiên cứu sản xuất giống gạo vàng có nhiều vitamin A tốt cho sức khỏe cũng như các giống lúa thơm, có khả năng chống chịu với sâu bệnh...

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Mozambique đánh giá cao và bày tỏ ấn tượng rất tốt đẹp trước những kết quả nghiên cứu hữu hiệu của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, nhất là việc nghiên cứu ra những giống lúa biến đổi gen nhưng vẫn giữ được chất lượng cũng như năng suất và thân thiện với môi trường.

Đoàn công tác cấp cao của Quốc hội Mozambique dành sự quan tâm lớn đến việc chuyển giao kỹ thuật trồng lúa của Viện đến người sản xuất, mối liên kết hợp tác giữa Viện và doanh nghiệp, các trường đại học và các viện khác trong việc nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chủ tịch Quốc hội Mozambique cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Mozambique đã đi tham quan mô hình trình diễn các giống lúa mới và các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, lãnh đạo TP Cần Thơ đón tiếp đoàn và hướng dẫn tham quan, tìm hiểu về mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy.