Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. (Ảnh DUY LINH) |
Tại cuộc làm việc, sau khi nghe báo cáo về kết quả thực hiện và các đề xuất, kiến nghị của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đoàn công tác của Trung ương đã tập trung trao đổi về các đề xuất, kiến nghị của địa phương về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Nhìn lại quá trình nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố vượt qua khó khăn, thử thách, luôn giữ vững khát vọng phát triển, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn vì lợi ích chung, tạo dựng được niềm tin với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhất trí cần sửa đổi Nghị quyết số 119 của Quốc hội hoặc ban hành Nghị quyết mới với những cơ chế, chính sách phù hợp để Thành phố bứt phá trong thời gian tới.
Thành phố đạt nhiều giải thưởng, danh hiệu trên lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số (20%), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Đà Nẵng là đơn vị 12 năm liên tục (2009-2021) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số Việt Nam ICT Index; xếp hạng A (dẫn đầu) về an toàn thông tin và thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử năm 2021; năm thứ 4 liên tiếp (2020-2023) đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; 3 năm liên tiếp xếp hạng Nhất khối các tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số; năm 2020 và 2022, thành phố nhận được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”…
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trình bày báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh DUY LINH) |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ một đô thị với không gian phát triển chật hẹp, hạ tầng khó khăn, đời sống một bộ phận nhân dân khá vất vả, ngày nay Đà Nẵng đã có một diện mạo mới, có thể nói là đã tạo nên một kỳ tích trong phát triển kinh tế-xã hội, trở thành một thành phố có tốc độ hiện đại hóa, đô thị hóa thuộc nhóm các địa phương cao nhất trong cả nước, đạt 87,45%, cao hơn nhiều tỷ lệ bình quân của cả nước là 42,6%.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị...
Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy cùng lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng.
Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, nghành dự buổi làm việc. (Ảnh DUY LINH) |
Sau khi nghe Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trình bày báo cáo kết quả công tác nửa nhiệm kỳ và 9 tháng năm 2023, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những thành tựu, kết quả mà Đà Nẵng đã đạt được thời gian qua; cho rằng đạt được kết quả đó là nhờ Đà Nẵng đã làm rất tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững tinh thần đoàn kết.
Thành phố vẫn giữ được khát vọng phát triển. Bằng chứng là Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên được phê duyệt quy hoạch với tư duy, tầm nhìn rất xa và rất đột phá.
Thành phố cũng tạo được sự tín nhiệm rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp và du khách; có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, đương đầu với khó khăn, thách thức.
Qua trao đổi, đóng góp ý kiến với lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong Đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao những kết quả quan trọng đạt được trong thời gian qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng.
Thành phố đã tiến hành toàn diện các mặt công tác, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố với nhiều cách làm hay, hiệu quả và phù hợp tình hình thực tiễn, bám sát Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố đã làm tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ, giữ gìn đoàn kết và luôn trăn trở với khát vọng phát triển với tư duy, tầm nhìn rất xa; cùng tinh thần trách nhiệm “dám nghĩ, dám làm”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. (Ảnh DUY LINH) |
Trong chuyến công tác lần này, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội bày tỏ ấn tượng bước đổi thay rõ nét về hạ tầng xã hội của thành phố, không gian đô thị mở rộng nhiều lần, là điểm đến hấp dẫn với du khách Việt Nam, châu Á và thế giới, với nhiều công trình, kiến trúc, sự kiện, hiện đại, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng như: Thành phố đáng sống, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng…
Đà Nẵng còn ghi dấu ấn bằng những chính sách an sinh xã hội đậm chất nhân văn với chủ trương “an dân” như: Chương trình “Thành phố 5 không - 3 có; “Thành phố 4 an”…
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng thành phố sẽ có bước phát triển vượt bậc trong tương lai, tạo ra được động lực mới cho sự phát triển sau này. Còn lại 2 năm cuối nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đà Nẵng bứt tốc để bù lại cho những năm đạt kết quả chưa cao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đà Nẵng sớm có chương trình triển khai quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt; làm mới động lực tăng trưởng cũ đồng thời tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới.
Qua thị sát thực tế tại công trường, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Cảng Liên Chiểu chính là một động lực tăng trưởng mới của Đà Nẵng. Nếu Cảng Liên Chiểu hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ tác động rất tốt tới phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, kể cả tăng trưởng kinh tế-xã hội và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Do vậy, Đà Nẵng cần đẩy nhanh thực hiện dự án này.
Qua trao đổi, các ý kiến lãnh đạo bộ, ngành và cơ quan của Quốc hội đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục nghiên cứu, đổi mới mô hình và động lực tăng trưởng kinh tế mới trên cơ sở phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, thủ tục hành chính tinh gọn, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Lãnh đạo thành phố cần tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là trung tâm, toàn diện nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm; theo đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ các dự án đóng vai trò liên kết và tạo động lực phát triển khu vực miền Trung, đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn.
Cần cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn
Các ý kiến cũng nhận định, thời gian qua, so với các địa phương trong cả nước, Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ lớn từ Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tuy vậy, việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển thành phố.
Một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội mới tập trung phần lớn cho các cơ chế thí điểm mô hình chính quyền đô thị; còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá làm nền tảng, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố.
Các đại biểu đề nghị Thành phố tập trung phối hợp các ban, bộ, ngành Trung ương tham mưu Bộ Chính trị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; qua đó nghiên cứu các giải pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả 3 trụ cột, 5 lĩnh vực mũi nhọn về phát triển kinh tế, nhất là nghiên cứu, đề xuất Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách, đề án, quy hoạch, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng có tầm nhìn, các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố mang lại hiệu quả cao, có tính động lực, lan tỏa, nhất là trong thời gian thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng khi lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan biểu thị nhất trí cao và đề nghị nghiên cứu việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng cần chủ động phối hợp với các cơ quan tổng kết 5 năm thi hành Nghị quyết số 119 của Quốc hội để đề xuất phương thức phù hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội bổ sung việc xem xét dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội.
Đến cuối năm 2022, Đà Nẵng có 2, 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 tỷ lệ trung bình cả nước); đã xây dựng và phát triển 500 sản phẩm phần mềm nguồn mở, nội dung số trong các cơ quan thành phố.
GRDP giai đoạn 2021-2023 ước tăng 6,3%/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng qua các năm; tổng doanh thu lưu trú, lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước tăng 50,9%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hoá giai đoạn 2021-2023 ước tăng 11,3%/năm; doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi, bưu chính và chuyển phát giai đoạn 2021-2023 ước tăng 13,8%/năm; kim ngạch xuất khẩu ước tăng bình quân 12,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước tăng 16,3%/năm; thu hút đầu tư trong nước tăng khá.