Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố thị sát công tác chống lũ tại quận Hoàn Kiếm

Ngày 12/9, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã thị sát công tác phòng, chống lũ tại 2 phường Chương Dương, Phúc Tân. Ngày 10/9, khi mực nước vượt báo động II, Ủy ban nhân dân hai phường Chương Dương và Phúc Tân đã tuyên truyền, vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn. Đến nay, đã có 6.200 trường hợp di chuyển khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn.
Đoàn công tác của thành phố thị sát địa bàn tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.
Đoàn công tác của thành phố thị sát địa bàn tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.

Báo cáo nhanh về các giải pháp đã triển khai ứng phó với mưa lũ trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, địa phương luôn cập nhật diễn biến tình hình nước lũ trên các sông, nên khi nước dâng cao, các địa bàn đã có phương án chủ động ứng phó.

Trong số 6.200 trường hợp di chuyển khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn, có nhiều người dân đã chủ động tự sơ tán đến nhà họ hàng, bà con. Một số người già neo đơn không có điều kiện di chuyển, quận đã đưa về lưu trú tập trung tại 5 điểm, bố trí đầy đủ điều kiện sinh hoạt, ăn ở trên địa bàn phường Phúc Tân và Chương Dương.

Sau khi nghe báo cáo tình hình, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn biểu dương toàn hệ thống chính trị của quận Hoàn Kiếm đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và thành phố với tinh thần chủ động, tích cực vào cuộc.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý, mặc dù đến sáng 12/9 nước lũ đã rút bớt, nhưng quận Hoàn Kiếm tuyệt đối không được chủ quan, bởi dự báo tình hình còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị quận Hoàn Kiếm và các phường bám sát tình hình để có phương án ứng phó kịp thời theo từng cấp độ; phân công ứng trực với tinh thần "4 tại chỗ" và chủ động. Đồng thời, rà soát lại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao phải di dời dân đến nơi an toàn.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, dồn toàn tâm, toàn lực chăm lo cho những đối tượng bị ảnh hưởng. Khi di dời dân phải bảo đảm an toàn, đầy đủ nhu yếu phẩm, nước sạch sinh hoạt, thuốc men; đồng thời phát động các phong trào tổng vệ sinh toàn quận, ủng hộ người dân vùng lũ trên địa bàn để chăm lo an sinh xã hội tốt nhất.