Chủ tịch Fidel Castro trong lòng người dân Quảng Trị

NDO - Những ngày tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên đến Cộng hòa Cuba sau khi Bạn tổ chức thành công Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa mới và các chức danh quan trọng của Nhà nước theo Hiến định.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Cuba Fidel Castro phát biểu tại buổi mít-tinh sáng 15/9/1973 tại cao điểm 241 ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. (Ảnh Tư liệu)
Chủ tịch Cuba Fidel Castro phát biểu tại buổi mít-tinh sáng 15/9/1973 tại cao điểm 241 ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. (Ảnh Tư liệu)

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội diễn ra vào dịp kỷ niệm 60 năm Cuba thành lập Ủy ban Đoàn kết với miền nam Việt Nam, 50 năm Lãnh tụ Fidel Castro Ruz lần đầu thăm Việt Nam và tới Vùng Giải phóng miền nam Việt Nam; thể hiện Việt Nam luôn ghi nhớ tình cảm đoàn kết đặc biệt và sự hỗ trợ của Cuba dành cho Việt Nam trong những năm tháng khó khăn nhất.

Người dân nghẹn ngào nghe Fidel Castro diễn thuyết

50 năm trước, vùng giải phóng miền nam thuộc tỉnh Quảng Trị đã vinh dự đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro, là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đến thăm trong 2 ngày 14 và 15/9/1973.

Dù thời gian ở lại rất ngắn để bảo đảm bí mật tuyệt đối của chuyến đi, nhưng Chủ tịch Cuba Fidel Castro có không ít kỷ niệm với con người Quảng Trị anh hùng.

Ông Dương Tú Anh, năm nay 83 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ từ tháng 5/1973, cho biết, đúng 8 giờ sáng ngày 15/9/1973, phái đoàn của Cuba do Chủ tịch Cuba Fidel Castro dẫn đầu cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ Đông Hà đã lên đến cao điểm 241 ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Lúc ấy có rất đông cán bộ, nhân dân tập trung sẵn ở đồi 241 chào đón phái đoàn.

Chủ tịch Fidel Castro trong lòng người dân Quảng Trị ảnh 2

Quân dân Quảng Trị dự mít-tinh chào đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro. (Ảnh Tư liệu)

Người dân Quảng Trị vẫn nhớ như in hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro hai tay phất cao lá cờ truyền thống của Sư đoàn 304 trên cao điểm 241 đang ngổn ngang xác xe tăng của quân đội Mỹ. Ông là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị.

Ở những nơi ông đến nhân dân Quảng Trị đã tiếp đón hết sức nồng nhiệt và thân ái. Ông bước đi giữa rừng cờ hoa và tiếng hoan hô vang dội của nhân dân Quảng Trị.

Trong cuộc mít-tinh chan hòa ánh sáng ban mai của mùa thu năm 1973 tại đồi 241, quân và dân Quảng Trị thay mặt toàn miền nam chào mừng Chủ tịch Fidel Castro, Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chủ tịch Fidel Castro bày tỏ vui mừng được vượt qua hàng vạn km đến thăm vùng giải phóng miền nam.

Chủ tịch Fidel Castro trong lòng người dân Quảng Trị ảnh 3

Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Giọng ông xúc động: “Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba đến miền nam Việt Nam vào một ngày đẹp trời. Ánh mặt trời chói lọi ở phương Đông chiếu sáng núi đồi, đồng ruộng. Ánh nắng ban mai làm cho tôi nghĩ đến tương lai Việt Nam cũng đẹp và rạng rỡ như ngày hôm nay”.

Chủ tịch Fidel Castro diễn thuyết, nhân dân sụt sùi khóc. Đó mãi mãi là hình ảnh đẹp trong tình bạn, tình đồng chí đặc biệt giữa Việt Nam-Cuba.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Cuba lần này là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Việt Nam đến Cuba cũng như khu vực Mỹ Latinh trong năm 2023, nhằm triển khai đường lối đối ngoại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội nước ta là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên đến Cuba, sau khi Cuba tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa mới và các chức danh quan trọng của Nhà nước theo Hiến định. Chuyến thăm tái khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, mẫu mực thủy chung Việt Nam-Cuba; thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội hai nước và hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu...

Theo ông Dương Tú Anh, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cuba luôn đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam, là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam.

Chủ tịch Fidel Castro trong lòng người dân Quảng Trị ảnh 4

Ông Dương Tú Anh (phía trong) thăm Di tích đồi 241. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)

Bạn là nước đầu tiên cử đại sứ sang vùng giải phóng miền nam Việt Nam sau hiệp định Paris 27/1/1973. Cũng là nước đầu tiên cử đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ do đích thân Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu đến thăm vùng giải phóng miền nam - nơi có trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.

Chuyến thăm này của Chủ tịch Fidel Castro là sự kiện lớn không chỉ có ý nghĩa sâu sắc về tình hữu nghị, lịch sử quan hệ hai nước mà còn có ý nghĩa lớn trong đời sống quốc tế, nâng cao vị thế cách mạng Việt Nam để tiếp tục giành thắng lợi cuối cùng, đưa đất nước Việt Nam đi đến hòa bình, thống nhất và độc lập.

Sau khi thăm cao điểm 241, phái đoàn đến thăm và làm việc với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại trụ sở ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ.

Trung tướng Bộ trưởng Quốc phòng Trần Nam Trung và Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Bích Sơn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sỹ Thản tiếp và làm việc với phái đoàn.

Trưa 15/9/1973, phái đoàn rời trụ sở theo hướng Quốc lộ 9 về Đông Hà, theo Quốc lộ 1 ra căn cứ Dốc Miếu của huyện Gio Linh.

Nữ xạ thủ tiêu biểu vinh dự được bắt tay Fidel Castro

Bà Hoàng Thị Chẫm, 74 tuổi, nguyên là du kích ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh luôn nâng niu tấm hình kỷ vật vô giá khi được Chủ tịch Cuba Fidel Castro bắt tay hỏi thăm.

Dù tuổi cao, nhưng khi kể về thời khắc Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị, bà như sống lại thời tuổi 24 của mình.

Chủ tịch Fidel Castro trong lòng người dân Quảng Trị ảnh 5

Bà Hoàng Thị Chẫm tự hào với khoảnh khắc được bắt tay với Fidel Castro. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)

Bà Chẫm ngày ấy là du kích gan dạ nổi tiếng của xã Trung Hải, một xã nằm sát bờ nam sông Bến Hải và đồi Dốc Miếu, một căn cứ quan trọng của quân đội Mỹ được xây dựng trên hàng rào điện tử McNamara để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền bắc cho tiền tuyến miền nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Nhiệm vụ hằng ngày của bà là bắn tỉa lực lượng đối phương tại căn cứ Dốc Miếu. Bà Chẫm bắn tỉa thiện xạ đến nỗi cái tên Hoàng Thị Chẫm luôn là nỗi ác mộng, khiếp sợ của quân đội Mỹ từ căn cứ Dốc Miếu.

Bà Chẫm nhớ lại, một ngày gần giữa tháng 9/1973, bà nhận được thông tin chuẩn bị đi công tác, mừng thầm là cấp trên cho đi học, vì khi đó huyện Gio Linh vừa được giải phóng tròn 1 năm.

Vậy là mẹ của bà tặng cho con gái 1 bộ áo quần lụa bà ba màu đen khá đẹp để con mặc đi công tác cho trọng thị trước con mắt bạn bè. Đến tối 14/9/1973, cấp trên báo gấp về, sáng mai bà Chẫm bắt đầu chuyến công tác, tập trung lên căn cứ Dốc Miếu vào sáng 15/9/1973 đợi đoàn.

Lòng vô cùng hạnh phúc khi quê hương được giải phóng, nay lần đầu tiên được đi công tác xa quê nên bà mừng ra mặt. Hôm ấy, xã Trung Giang có 4 người được mời lên tập trung ở Dốc Miếu để đi công tác, nhìn ai trong số này cũng đều là du kích tiêu biểu, xuất sắc nên bà càng tự hào hơn.

Đợi đến quá trưa, chưa thấy xe ô-tô đến chở đi công tác nên ai cũng bồn chồn, thấy vậy người có trách nhiệm bảo nán lại đợi một thời gian ngắn nữa sẽ xuất phát.

“Thật quá bất ngờ và hạnh phúc, cấp trên báo 30 phút nữa đoàn sẽ được đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro từ Đông Hà ra thăm. Bấy lâu nay qua báo, đài biết được đất nước Cuba, đặc biệt là Chủ tịch Cuba Fidel Castro luôn ủng hộ hết sức giúp nhân dân Việt Nam, nay ông lại có mặt ngay chính mảnh đất Quảng Trị thì có hạnh phúc, tự hào nào bằng”, bà Chẫm nhớ lại.

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cuba do Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu đến thăm vùng giải phóng miền nam tại Quảng Trị, sau khi thăm Đông Hà, cao điểm 241, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Cam Lộ, khoảng hơn 13 giờ ngày 15/9/1973, đoàn quay trở về dừng lại thăm Dốc Miếu.

Chủ tịch Fidel Castro trong lòng người dân Quảng Trị ảnh 6

Chủ tịch Cuba Fidel Castro bắt tay chúc mừng nữ du kích tiêu biểu Hoàng Thị Chẫm ở căn cứ Dốc Miếu, huyện Gio Linh. (Ảnh Tư liệu)

Bà Chẫm thấy Fidel Castro to cao, uy nghi đến bắt tay những du kích tiêu biểu đang đón chào ông và phái đoàn. Ông bắt tay mọi người có mặt, thời khắc bắt tay bà, thì ông dừng lại nhìn kỹ khuôn mặt bà đầy trân trọng vì hình ảnh một cô gái mới độ tuổi ngoài 20 đã anh dũng, kiên cường suốt ngày tấn công địch khiến ông cảm phục.

Bà Chẫm nhớ lại bàn tay Fidel Castro nắm tay bà rất ấm áp, đôi mắt của ông tự tin rực lửa như nhắn nhủ và truyền thêm sức mạnh cho bà và những người có mặt hôm ấy không sợ hy sinh, quyết tâm chiến đấu đến cùng để góp phần giải phóng quê hương, đất nước.

Rồi Chủ tịch Fidel Castro băng qua một quãng đường dài hơn trăm mét ở đồi Dốc Miếu để kiểm tra, tận mắt chứng kiến một cứ điểm quan trọng của quân đội Mỹ còn đầy rẫy bom đạn. Đến khoảng 2 giờ kém chiều 15/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro và phái đoàn rời đi tiếp tục ra phía bắc.

Những ngày này bà Chẫm luôn ngắm nghía tấm hình vinh dự được bắt tay với Chủ tịch Fidel Castro như muốn vạn lần cảm ơn ông và đất nước Cuba.

Tuổi trẻ, thanh niên ngày hôm nay không chỉ quanh thôn Xuân Long, xã Trung Hải, mà còn nhiều địa phương khác tìm đến nhà bà để được nghe bà kể về câu chuyện 50 năm trước những người Cuba anh em đã tận tình giúp đỡ Việt Nam đấu tranh giành lấy nền độc lập để thống nhất đất nước.

Nhiều người dân Việt Nam ghi nhớ câu nói của cố lãnh tụ Fidel “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” và hình ảnh Fidel là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên và duy nhất, bất chấp hiểm nguy đã dũng cảm thăm vùng giải phóng “đất lửa” Quảng Trị trung tuần tháng 9/1973.

Điều đó thể hiện tình cảm ruột thịt, sự sẵn sàng hy sinh, sẻ chia của Cuba đối với người đồng chí, anh em Việt Nam. Trong những thời khắc kháng chiến vô cùng cam go của nhân dân Việt Nam, lãnh tụ Fidel đã có nhiều hoạt động quốc tế vận động chính phủ, nhân dân các nước đoàn kết, ủng hộ Việt Nam.

Cứu thương cho các thiếu niên Vĩnh Linh

Sau khi Chủ tịch Fidel Castro rời vị trí đồi Dốc Miếu của huyện Gio Linh thì đến 14 giờ 6 phút, ô-tô của phái đoàn dừng lại bờ bắc sông Bến Hải để nghe báo cáo về vụ 3 thanh thiếu niên xã Vĩnh Thành (nay Hiền Thành) bị thương bên đường do trúng phải bom mìn, trong đó có một người bị thương nặng ở bụng, sau này được xác định là chị Nguyễn Thị Hương.

Chủ tịch Fidel Castro trong lòng người dân Quảng Trị ảnh 7

Chị Nguyễn Thị Hương, người được Chủ tịch Cuba Fidel Castro đề nghị các bác sĩ của phái đoàn cấp cứu sau sự cố trúng bom bi, phát nổ vào ngày 15/9/1973. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)

Chị Hương, năm nay 67 tuổi, đang sinh sống cùng chồng con tại khu phố 4, phường 1, thành phố Đông Hà. Chị chùng giọng, 50 năm trước, chiều 15/9/1973, tại vị trí phía bắc, sát bờ sông Bến Hải, lúc ấy, chị cùng các thanh niên đang cuốc đất ven đường thì vướng phải bom bi, phát nổ nên bị thương, chị bị thương nặng nhất. Rồi chị cố gắng đứng dậy, ôm bụng chạy mấy bước lên Quốc lộ 1A và ngất xỉu, nằm bên mép đường. Mọi người tìm võng chuẩn bị cáng chị đi cấp cứu.

Vừa lúc ấy, một đoàn xe ô-tô từ bờ nam qua khỏi sông Bến Hải bằng cầu phao thấy vụ tai nạn bom mìn nên dừng lại. Sau này chị Hương mới vinh dự được biết, đó là đoàn ô-tô của Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ Dốc Miếu ra, khi vừa kết thúc thăm vùng giải phóng miền nam tại Quảng Trị.

Tai nạn xảy ra khiến chị Hương ruột đứt 8 khúc, đứt động mạch chủ cùng nhiều vết thương nặng khác.

Bác sĩ riêng của Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm đó là ông José Miguel Miyar Barruecos kể lại rằng, Chủ tịch Fidel Castro lập tức đề nghị lực lượng y tế của phái đoàn tìm mọi cách cấp cứu cho chị Hương. Sử dụng ô-tô của phái đoàn chở chị Hương vào bệnh viện Vĩnh Linh kịp thời.

Tối 15/9/1973, lực lượng y tế của phái đoàn tiếp tục ra Quảng Bình báo cáo đầy đủ sự việc cấp cứu các thanh thiếu niên bị thương cho Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng biết.

Gần 1 tháng sau, sức khỏe chị Hương dần dần hồi phục và ra viện. Một thời gian sau nữa, chị Hương nhận được giấy mời lên Ủy ban xã nhận quà. Chị không tin nổi mắt mình vì đó là quà của Chủ tịch Cuba Fidel Castro gửi tặng.

Sau này Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin kể, khi đang là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, ông đã được Đại sứ Hà Văn Lâu giao trách nhiệm đích thân gói quà của Fidel Castro gửi về cho chị Hương.

Những năm sau đó, nhiều đoàn lãnh đạo Cuba sang thăm Việt Nam, vào thăm Vĩnh Linh. Theo yêu của Chủ tịch Fidel Castro đoàn đã đến gặp, tặng quà, chụp ảnh các cháu thiếu niên bị thương hôm đó được đoàn cấp cứu để về báo cáo Fidel Castro. Mỗi lần có sự kiện liên quan, chị Hương đều gửi đặc sản tiêu khô Quảng Trị sang tặng ông.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro sau đó đã viết về chuyến đi :“Tôi đã phải yêu cầu để được thực hiện chuyến đi đó”; “Tôi có thể trở thành nạn nhân của những cuộc phiêu lưu của đế quốc Mỹ nếu chúng biết được tôi có mặt ở khu vực đó”.

Chủ tịch Fidel Castro ngưỡng mộ dân tộc Việt Nam hơn khi đặt chân đến mảnh đất anh hùng Quảng Trị. Nhân dân Quảng Trị có tình cảm và sự ngưỡng mộ đặc biệt với Chủ tịch Fidel Castro. Cũng bởi đạo lý ấy mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã từ lâu luôn xem việc đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với Cuba là một nguyên tắc, một mệnh lệnh của trái tim; dành cho đất nước anh em Cuba sự ủng hộ hết lòng.

(Còn nữa)