Gia đình ông Trần Cừ làm nghề biển tại khu Trại Nhái, Phường 12, thành phố Vũng Tàu từ năm 1996. Theo ông Cừ, lúc đó biển cách bờ hơn 1 km, còn bây giờ nhìn ra nơi ấy chỉ thấy sóng nước mênh mông.
“Trước kia, những cồn cát cao với những hàng dương cổ thụ là nơi che chắn những cơn sóng. Nhưng giờ đây bờ biển chỉ còn cách nhà tôi hơn chục mét”, ông Cừ nói.
Là người gắn cả đời mình với vùng đất cửa sông cửa biển này, nhưng chưa năm nào ông thấy tình trạng biển xâm thực mạnh như những năm gần đây. Chỉ vài năm, sóng biển đã cuốn đi hàng trăm mét vuông đất của người dân.
Theo bà Trần Thị Ca (Phường 12, thành phố Vũng Tàu), trước đây, Trại Nhái có cả một rừng dương và những đồi cát dài, tạo thành một điểm du lịch, dã ngoại lý tưởng. Nhưng bây giờ rừng dương không còn nữa do bị biển xâm thực.
Nhiều nhà dân cũng bị sóng cuốn trôi. Toàn bộ khu Trại Nhái giờ chỉ còn khoảng 20 hộ sinh sống nhưng không ai dám ở gần biển nữa.
Từ cửa biển đến ấp An Hòa, xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), hơn 300m bãi biển bị xói lở, những mảng tường bị sóng biển làm hư hỏng, móng nhà bằng bê-tông kiên cố cũng bị sóng biển làm đứt gãy, sụp đổ và những gốc phi lao trơ rễ…
Ông Nguyễn Văn Ngọc (xã Lộc An) chỉ tay về phía khu dân cư bên trong cửa biển rồi nói: “Sóng biển như loài gặm nhấm khổng lồ”, mỗi ngày lấy đi một ít đến nay những đụn cát đã biến mất, rừng dương cũng bật gốc chết hết”.
Theo ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc An, hơn 10 năm trước, xã có nhiều đồi cát cao hơn 10m, rộng hơn 50m. Phía nam Lộc An và cửa sông Ray còn có những bãi cát trải dài đến 400m và cao 5-7m, nhưng hiện nay, nhiều đồi cát đã bị nước biển cuốn trôi.
Nhiều khu vực, biển đã vào sát mặt đường. Từ khu vực đê tả, đê hữu thuộc khu neo đậu tránh trú bão của xã đến giáo đường bờ biển Lộc An 1 (phía sau nhà hàng Phương Trang) có chiều dài dọc bờ biển khoảng 500m đang có nguy cơ bị nước biển xâm thực.
Nếu không được khắc phục kịp thời, một thời gian ngắn nữa nhà cửa sẽ bị sụt lún, tài sản, cuộc sống và tính mạng người dân bị ảnh hưởng. Không chỉ đe dọa đời sống của người dân, tình trạng biển xâm thực đang cản trở sự phát triển kinh tế của địa phương, nhất là ngành du lịch.
Theo ông Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là trung tâm du lịch lớn của cả nước, dải ven bờ từ thành phố Vũng Tàu đến Xuyên Mộc, có khoảng 150 dự án đầu tư về du lịch. Trong đó có những dự án ở Hồ Tràm quy mô hơn 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, dải ven bờ hiện có nhiều khu vực bị xói lở nghiêm trọng như Bãi Thùy Vân-Trại Nhái; Cửa Lấp; cửa Lộc An; Hồ Tràm; Hồ Cốc; Bình Châu… làm cho nhiều khu vực của dải ven bờ bị mất đất, tổng cộng có thể lên đến hàng chục, hàng trăm héc-ta trong những năm qua.
Cụ thể, nếu tính theo hiện trạng lúc triều cường so với mép bờ biển thể hiện trên bản đồ địa chính lập năm 1997, 1998 thì các khu vực như Hồ Tràm, khu du lịch Sanctuary, khu du lịch Gió Biển, khu du lịch Minh Tuấn… mức độ biển xâm thực trung bình từ 20-40m.
Đoạn từ khu du lịch Saigon Container đến Lộc An có chiều dài khoảng 1.200m trung bình bị xói lở từ 20-30m, có những điểm xói lở rất nặng khoét sâu vào các khu du lịch như Hồng Hà, Sông Ray.
Từ khu du lịch Sài Gòn Hồ Cóc đến cây số 06-07 (hướng về Bình Châu) có chiều dài khoảng 2 km, năm 2005 lúc bắt đầu làm đường ven biển, biển còn cách chân đường chỗ gần nhất là 50m, xa nhất là 100m, đến nay biển đã vào sát chân đường.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc bị sạt lở nghiêm trọng, tình trạng sạt lở sâu vào đất liền đã là 200m.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Biên, Viện Kỹ thuật Biển khẳng định, nguyên nhân khiến tình trạng biển xâm thực đang ngày càng nghiêm trọng ở Bà Rịa-Vũng Tàu chính là do tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan do chính con người gây ra, mà hoạt động khai thác cát tràn lan là lý do cơ bản gây nên tình trạng này. Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là một trong những tỉnh ven biển chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho nên đường bờ biển cũng bị biến động rất mạnh theo chế độ gió mùa.
Vì vậy trong nhiều năm qua bờ biển Bà Rịa-Vũng Tàu luôn bị biến động rất mạnh, biển lấn sâu vào đất liền có nơi hàng trăm mét phá hủy nhiều dãy rừng, đồi cát, công trình xây dựng gây thiệt hại về kinh tế và cả tính mạng con người.
Tình trạng xói lở dải ven bờ, nhất là các khu vực cửa sông và vùng ven biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra khá nghiêm trọng, tỉnh đã đầu tư nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp khoa học từ truyền thống đến công nghệ tiên tiến nhằm hạn chế những tác động của việc xói lở dải ven bờ như: Công nghệ kè mỏ hàn bằng đá hộc, đá xây, tấm bê-tông đơn giản hoặc hiện đại hơn là công nghệ mềm Stabiplage…
Tuy nhiên, các phương pháp chống xói lở này dù chi phí khá cao, nhưng chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Qua khảo sát, kè Stabiplage tại khu vực biển Lộc An đã bị sóng biển làm hư hỏng, không còn có tác dụng chắn sóng.
Để ứng phó, hơn 30 năm qua, tỉnh đã phối hợp các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng và triển khai những giải pháp khắc phục nhằm giảm áp lực do tự nhiên và con người tác động đến môi trường để phát triển kinh tế bền vững.
Tỉnh cũng xây dựng chiến lược và triển khai kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tiến hành công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gắn với quy hoạch ngành, quy hoạch từng địa phương, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch công nghiệp, quy hoạch cảng, giao thông, quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão…
Xác định cuộc chiến biển “nuốt” đất liền còn lâu dài và ngày càng khắc nghiệt, tỉnh cần một giải pháp chống biển xâm thực đồng bộ cho các tuyến ven biển.