Chủ động ứng phó, có phương án khắc phục trước diễn biến bất thường của thời tiết

NDO -

Ngày 3/4, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) do đồng chí Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo quốc gia, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái mùa gây ra trong những ngày qua và chỉ đạo phương án khắc phục hậu quả trên địa bàn hai huyện Quảng Điền, Phong Điền (Thừa Thiên Huế).

Đoàn công tác Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái mùa và phương án khắc phục hậu quả tại huyện Quảng Điền.
Đoàn công tác Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái mùa và phương án khắc phục hậu quả tại huyện Quảng Điền.

Đoàn đã đến kiểm tra tại các vùng bị ngập úng và có nhiều diện tích lúa bị hư hại tại các xã Quảng Thành, Quảng An (huyện Quảng Điền) và xã Phong Chương (huyện Phong Điền).

Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh, đây là đợt mưa có lưu lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng, gây ra đợt lũ trên diện rộng thuộc khu vực sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Nong, sông Truồi, Bù Lu...

Mặt khác, hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp từ +0,3m÷1,0m. Nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước lên cao, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm, tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa, hoa màu; kiểm tra xác định cụ thể mức độ thiệt hại và khắc phục hậu quả, đặc biệt đối với các công trình đê bao nội đồng, các cống qua đê... lập kế hoạch sửa chữa kịp thời để cấp nước phục vụ sản xuất.

Qua kiểm tra, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ trái mùa gây ra, nhất là các diện tích lúa còn lại của người dân. Tiến hành cắt điện ở những nơi còn bị ngập sâu và có cảnh báo để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra với người dân trong vùng ngập nước.

Chủ động ứng phó, có phương án khắc phục trước diễn biến bất thường của thời tiết -0

Hàng nghìn ha diện tích lúa bị nước ngập sâu kéo dài trong 3 ngày qua, nguy cơ mất trắng vụ đông xuân. 

Theo Phó trưởng ban Ban chỉ đạo quốc gia Trần Quang Hoài, có thể thấy rằng cái bất thường đã trở thành điều bình thường. Từ năm 2015, đến 2018, 2020, 2021, đến năm 2022, mưa lũ ở khu vực miền trung, trong đó có Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và đi sâu các tỉnh phía Nam Trung Bộ, tình trạng mưa lũ, ngập lụt đang diễn ra rất phức tạp. Ngay cả bây giờ ở trên Biển Đông đã hình thành những vùng thời tiết rất nguy hiểm. Chính vì vậy, chúng ta phải có những biện pháp căn cơ cho việc sản xuất thế nào cho thích hợp, bảo vệ sản xuất.

Phó trưởng ban Ban chỉ đạo quốc gia Trần Quang Hoài chỉ đạo, với những thiệt hại do thiên tai gây ra trong đợt này, tỉnh cần sớm có báo cáo cụ thể gửi cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ khắc phục. Ông Hoài cũng lưu ý, địa phương có nghiên cứu để có giải pháp chuyển đổi mùa vụ phù hợp đối với một số vùng thấp trũng trên địa bàn trước hiện tượng thời tiết bất thường ngày càng diễn ra bình thường như hiện nay.

Theo ông Trần Quang Hoài, thời gian gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Trong bối cảnh đó, địa phương cần chủ động ứng phó là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã lưu ý địa phương cần đẩy nhanh tiến độ sửa chữa hư hỏng, sự cố công trình phòng, chống thiên tai, nhất là các công trình trọng điểm đê, hồ đập xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ; di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai... Đặc biệt, chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân. 

Theo ông Trần Quang Hoài, tại Thừa Thiên Huế, có trên 70% diện tích lúa đã vào hạt và đang làm đòng đã bị ngập úng đến ngày thứ 3, trong khi đó thủy triều trên biển dâng cao, khả năng tiêu ngập là vô cùng khó khăn. Như vậy, bài toán mới đặt ra là phải tính toán, rà soát lại toàn bộ mùa vụ, nghiên cứu xem nên sản xuất cái gì cho phù hợp.

“Với tình hình này, chúng tôi đã có báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sẽ báo cáo Thủ tướng để chuẩn bị cho hội nghị ở khu vực miền trung để tìm giải pháp cho sản xuất nông nghiệp tại khu vực đồng bằng, cũng như nuôi trồng thủy sản ven biển bảo đảm an toàn trong điều kiện tình trạng thời tiết bất thường đang diễn biến thường xuyên”, ông Hoài nhấn mạnh.

Chủ động ứng phó, có phương án khắc phục trước diễn biến bất thường của thời tiết -0

Bà con nhân dân xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) dùng bao cát đắp để cứu lúa, hoa màu vụ đông xuân. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích ruộng lúa đã bị ngập là 20.000/28.000 ha; trong đó 12.000 ha đã ngập trên 70%, cho nên vấn đề bảo đảm mùa vụ rất khó khăn cho tỉnh trong thời gian sắp tới.

“Chúng tôi sẽ có những giải pháp, tập trung tiêu úng, giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong mùa vụ này. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường xây dựng các hồ chứa, nhất là vùng phía tây sông Ô Lâu để giải quyết vấn đề ngập lụt cũng như thiếu nước tưới, sản xuất ở huyện Phong Điền và Quảng Điền. Tỉnh sẽ tính toán lại bài toán chuyển đổi cây trồng cho vùng lúa của hai huyện Phong Điền và Quảng Điền”, ông Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.