Chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Sau thời gian phòng, chống dịch Covid-19, hiện tại nhiều điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống và một số tụ điểm vui chơi giải trí đã hoạt động trở lại. Cùng với việc phát triển, phục hồi kinh tế, vấn đề kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Ðoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một trường mầm non thuộc huyện Phú Xuyên. (Ảnh Phương Thu)
Ðoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một trường mầm non thuộc huyện Phú Xuyên. (Ảnh Phương Thu)

Tối 2/8, các bác sĩ Bệnh viện 199 (Bộ Công an) cho biết vừa tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm khi đang đi du lịch tại Ðà Nẵng. Theo các bác sĩ, từ 9 giờ sáng cùng ngày đến tối, bệnh viện tiếp nhận 24 bệnh nhân, trong đó có hai trẻ em có dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm với triệu chứng như đau bụng, nôn ói… Ngay khi tiếp nhận, các bệnh nhân được bác sĩ khám, kiểm tra và cho truyền dịch, hỗ trợ men tiêu hóa. Ðến nay, các ca đều ổn, không có biến chứng nặng, đã được xuất viện. Ngày 6/8, Công an thành phố Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh cho biết, các cơ quan chức năng đang phối hợp điều tra làm rõ vụ nhóm sinh viên uống rượu khiến hai người tử vong, sáu người phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Trước đó, ngày 4/8, tám sinh viên uống một loại rượu không rõ nguồn gốc tại quán nhậu ở thành phố Thủ Ðức. Tuy nhiên, sau khi về nhà, một người tử vong tại phòng trọ, bảy người còn lại bị đau bụng, nôn ói nhiều. Sau đó có các triệu chứng co giật, lơ mơ, hôn mê cho nên được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu và một người tử vong tại Bệnh viện Lê Văn Việt (thành phố Thủ Ðức). Các bệnh nhân còn lại được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Ðức để tiếp tục điều trị. Liên quan đến ngộ độc do rượu, được biết, cách đây chưa lâu, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho hai bệnh nhân nam 50 tuổi và 60 tuổi nhập viện do bị ngộ độc sau khi uống một loại rượu ngâm với rễ cây tự đào trên rừng.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm là do chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), phổ biến là tình trạng thức ăn đường phố, các hàng, quán vỉa hè, quán "cơm bụi" thường sử dụng lại thức ăn lưu cữu trong nhiều ngày, không bảo quản riêng thức ăn chín và thực phẩm sống… Ngoài ra, thói quen lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm trong môi trường bên ngoài hay tích trữ thức ăn sống-chín, rau củ, thịt cá... trong tủ lạnh cũng là nguyên nhân gây ngộ độc. Hiện tại trên nhiều tuyến phố, nhất là các khu và điểm du lịch thu hút du khách, không khó để bắt gặp các quầy bán thức ăn nhanh với đủ loại xúc xích, thịt viên, thịt nướng, nem chua… các loại nước uống đóng chai hoặc tự chế biến như nước ép, sữa hạt. Các loại thực phẩm, nước giải khát này thường có giá rẻ, nhưng nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng cũng như quy trình chế biến có được bảo đảm hay không thì phần lớn người tiêu dùng lại ít quan tâm.

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm với 263 người bị ngộ độc, trong đó có hai người tử vong. Tại Hà Nội, dù thời điểm này, chưa xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, nhưng ngay trong Tháng hành động vì ATTP năm 2022 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), bên cạnh việc triển khai theo kế hoạch và chủ đề "Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới", các quận, huyện, thị xã đã tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Bên cạnh việc xử phạt các lỗi vi phạm, lực lượng chức năng cũng đề nghị chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP, không để xảy ra sự cố. Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, để tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè năm nay, quận đã chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm ATTP thích ứng với tình hình dịch Covid-19, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết về vệ sinh ATTP cho người dân bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, trung tâm y tế quận và các trạm y tế phường duy trì giám sát ATTP tại tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Còn theo lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm, ngay từ đầu năm, quận đã liên tục tổ chức ra quân kiểm tra ATTP, trong đó tập trung triển khai "Công tác bảo đảm ATTP của quận", giám sát và hậu kiểm về ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn; kiểm tra, giám sát ATTP tại bếp ăn tập thể khối cơ quan, doanh nghiệp, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… và các mặt hàng có nguy cơ cao gây ngộ độc. Thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng của quận kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh, xử lý các trường hợp vi phạm ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm.

Thực tế cho thấy, để bảo đảm vệ sinh ATTP, thì công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm, trong các bếp ăn tập thể, các trường học, bệnh viện, cơ quan và doanh nghiệp… cùng với sự "vào cuộc" của các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát các loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc, bảo đảm phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, các quận, huyện cần cập nhật công khai các cơ sở vi phạm quy định về ATTP trên cổng thông tin điện tử của quận và hệ thống thông tin phường. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP cho người quản lý, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng ■

"Có thể thấy, tình trạng vi phạm ATTP đang ở mức "báo động đỏ" do vấn nạn thực phẩm "bẩn" tràn lan khắp thị trường, từ các chợ dân sinh cho đến các cửa hàng trực tuyến; tình trạng mất ATTP ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề nhức nhối, chưa có cách giải quyết triệt để. Phần lớn các thực phẩm này không bảo đảm về chất lượng, không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng khó lựa chọn được các sản phẩm bảo đảm sức khỏe".

Bác sĩ PHẠM GIA KHÁNH (Bộ Y tế)