Chủ động phòng, chống buôn lậu ở biên giới Lào Cai dịp giáp Tết

NDO - Liên tiếp trong những tháng cuối năm, các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh Lào Cai bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn lậu qua biên giới. Ðiển hình như: Ngày 6-11, ngay tại khu vực đường biên, thuộc tổ 3, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, Công an và Quản lý thị trường (QLTT) đã bắt giữ hơn 800 m vải Trung Quốc nhập lậu được tập kết ngay cạnh bờ kè sông Hồng. Cùng ngày, ở sâu trong nội địa chừng 50 km, tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, Ðội QLTT số 6 bắt giữ lô hàng Trung Quốc nhập lậu gồm 18 nồi áp suất.

Ngày 7-11, tại khu vực tổ 12, phường Cốc Lếu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ lô hàng lớn gồm xúc xích, chả cá nhập lậu từ Trung Quốc của đối tượng Vũ Văn Thuần, trú tại TP Lào Cai. Trước đó, Ðội kiểm soát cơ động Hải quan Lào Cai kiểm tra Chi nhánh Công ty Hoàng Hợp (nằm ngay sát biên giới, thuộc tổ 2, phường Lào Cai) bắt giữ 15 tấn quặng chì, kẽm buôn lậu của đối tượng Ðỗ Văn Tú, trú tại phường Phố Mới (TP Lào Cai)...

  Ðội trưởng kiểm soát liên ngành Nguyễn Quang Hiểu cho biết: Dịp giáp Tết Nguyên đán, buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng trên toàn tuyến biên giới Lào Cai, dài hơn 200 km; tập trung vào hai bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Lào Cai, khu vực Na Mo (TP Lào Cai), Bản Phiệt (Bảo Thắng), Na Lốc và Sín Tẻn (Mường Khương), Quang Kim và cửa khẩu phụ Bản Vược (Bát Xát)... Phức tạp nhất là trên tuyến biên giới sông Hồng và sông Nậm Thi, theo thống kê hiện có hơn 200 chiếc thuyền chuyên dùng chở hàng lậu. Ðây là loại thuyền đơn giản hết mức, được làm bằng khung sắt và vỏ thùng phuy hoặc tôn. Ðể che mắt lực lượng chức năng, ban ngày các đối tượng buôn lậu dìm thuyền xuống sông hoặc cất giấu trong nhà dân sát biên giới, trong các dải lau lách bên sông, suối. Khoảng 1-2 giờ sáng, chúng mới mang thuyền ra sông Hồng và sông Nậm Thi để chở hàng xuất, nhập khẩu lậu. Thủ đoạn buôn lậu phổ biến là xé lẻ hàng, thuê cửu vạn là dân cư địa phương thông thạo địa hình vận chuyển vào nội địa hoặc lợi dụng chính sách biên mậu, thuê cư dân địa phương mua hàng từ Trung Quốc, tập kết vào các đầu mối, rồi mua hóa đơn của các chủ hộ kinh doanh tại Lào Cai nhằm hợp thức hóa hàng mua từ Trung Quốc, vận chuyển bằng xe ô-tô về xuôi tiêu thụ. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là khoáng sản, vải, quần áo, giày dép, thuốc tân dược, thực phẩm, nội tạng động vật... 

  Ðể chống buôn lậu và gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Lào Cai xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp từng thời điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể và  phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các lực lượng như Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường. Tổ chức thông tin thường xuyên và phối hợp tiến công truy quét buôn lậu tại các địa bàn trọng điểm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng liên ngành đã xử lý hơn mười nghìn vụ, tăng hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị xử lý là 14,4 tỷ đồng; trong đó và truy thu thuế hơn 7,5 tỷ đồng.

  Những ngày giáp Tết, hoạt động buôn lậu thường gia tăng mạnh, nhằm vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như rượu, thực phẩm, quần áo, pháo các loại... Theo ông Nguyễn Bá Bình, Chi cục trưởng Chi cục QLTT, Phó trưởng Ban 127 tỉnh Lào Cai, cần tăng cường nắm nguồn tin, tuần tra kiểm soát, bắt giữ và xử lý các đối tượng và hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, tỉnh bố trí lực lượng thành ba phòng tuyến là biên giới, vùng đệm và nội địa. Trên tuyến biên giới, Biên phòng và Hải quan tăng cường lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm soát và nắm chắc tình hình và chính sách biên mậu của phía Trung Quốc để có biện pháp đấu tranh chống hàng lậu phù hợp; chú trọng các khu vực Na Mo, Bản Phiệt, Na Lốc, Quang Kim, Bản Vược. Mới đây, lực lượng biên phòng đã tổ chức kiểm tra bến bãi, kho hàng và truy quét tàu, thuyền hoạt động trái phép trên tuyến sông biên giới; quy định nơi neo đậu của tàu, thuyền để ngăn chặn hoạt động buôn lậu trên sông. Tại vùng đệm là các phường, xã biên giới, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại tổ chức hộ dân cư ký cam kết không chứa chấp hàng lậu, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Ðồng thời, tổ chức triệt phá các tụ điểm, đường dây, đầu nậu buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả. Trong nội địa, mười đội QLTT tăng cường kiểm tra các khu vực phát luồng hàng hóa như các chợ đầu mối, bến xe khách, ga tàu hỏa, tuyến quốc lộ 70... để phát hiện và xử lý việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.