Đợt nắng nóng này ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 17-5. Do nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ.
* Trước thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài dẫn đến nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, Tổng cục Lâm nghiệp vừa có Công điện số 568/CĐ-TCLN-KL về việc phòng cháy, chữa cháy rừng, gửi ngành nông nghiệp các tỉnh: Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và TP Đà Nẵng, đề nghị ngành nông nghiệp tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng chủ động rà soát các phương án PCCCR. Bảo đảm lực lượng ứng trực 24 giờ trong ngày; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao...
* Chi cục Kiểm lâm Hà Nội có Công văn số 618/KL-QLBVR, yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR mùa khô hanh. Các hạt kiểm lâm phụ trách địa bàn có rừng tham mưu với UBND các huyện, thị xã tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR. Hướng dẫn các xã và chủ rừng thực hiện nghiêm phương án PCCCR đã được xây dựng, thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp thực tế.
* Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 425.365 ha đất có rừng, trong đó hơn 105.200 ha rừng thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa nắng nóng nên rất dễ xảy ra cháy rừng. Các cơ quan, lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai các phương án để làm tốt công tác PCCCR gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả.
* Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao. UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp PCCCR. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các ban quản lý rừng thực hiện các biện pháp PCCCR trên diện tích rừng do đơn vị quản lý. Chi cục Kiểm lâm chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp PCCCR ở các địa phương, bố trí lực lượng thường trực 24 giờ trong ngày.
* Huyện Phù Cát (Bình Định) có hơn 35.548 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên hơn 16.000 ha, rừng sản xuất gần 13.000 ha, rừng trồng hơn 7.200 ha. Hiện nay đang là thời gian cao điểm mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Hạt Kiểm lâm huyện đang đẩy mạnh công tác tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ.
* Ngay từ đầu mùa khô 2021, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đã chủ động chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp các lực lượng chức năng, các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương và các chủ rừng; tập trung hoạt động tuần tra, canh gác, nhất là những khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; đầu tư tu sửa, bổ sung, mở mới hệ thống đường ranh cản lửa, chòi canh; chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cần thiết sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện PCCCR...
* Huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 59.106,29 ha, trong đó, diện tích đất có rừng 38.575,83 ha. Từ đầu mùa khô 2021, Hạt Kiểm lâm huyện, các đơn vị chủ rừng cùng chính quyền các địa phương trên địa bàn đã chủ động xây dựng các phương án PCCCR, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực cùng các dụng cụ, phương tiện để kịp thời chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
* Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong quá trình kiểm tra hiện trường tại khu vực Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp tự ý đào đắp ao hồ, lấn chiếm rừng phòng hộ với diện tích hàng nghìn mét vuông. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Bình Sơn phối hợp các ngành chức năng của huyện, UBND xã Bình Thuận và Trung tâm kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Dung Quất kiểm tra, xác minh thông tin; làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng.
* Chiều tối 11-5, trên địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ xảy ra dông, lốc, mưa đá cục bộ. Trận mưa đá bất thường kéo dài khoảng 15 phút với mật độ dày, hạt đá có đường kính khoảng 1 - 2 cm khiến 640 ha lúa bị gãy, đổ, rụng, ước tổng thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng. Lãnh đạo huyện chỉ đạo các địa phương và các ngành khẩn trương kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
* Ngày 12-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đã công bố hết bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn bò ở địa bàn tỉnh sau khi con bò khỏi bệnh cuối cùng đã qua 21 ngày và không phát sinh thêm bò bị mắc bệnh LMLM. Trước đó, từ ngày 18-3 trên địa bàn huyện miền núi Sông Hinh có 224 con trâu, bò của 91 hộ bị mắc bệnh LMLM. Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp địa phương triển khai dập dịch...
* UBND huyện Đăk Glei (Kon Tum) cho biết, tại xã biên giới Đăk Plô, huyện Đăk Glei vừa xuất hiện một ổ dịch tả lợn châu Phi, tổng cộng có 55 con lợn mắc bệnh của hai hộ chăn nuôi ở thôn Đăk Book, xã Đăk Plô phải tiêu hủy. Chính quyền và ngành chức năng của huyện đã khoanh vùng, tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi và khu vực lân cận.
Hỗ trợ gạo cho tỉnh Kon Tum kỳ giáp hạt
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 694/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Kon Tum để cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2021. Theo đó, Bộ Tài chính được giao xuất cấp không thu tiền 69,705 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Kon Tum để hỗ trợ nhân dân.