Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong nửa đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 30.500 vụ việc; phát hiện, xử lý hơn 17.300 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước đạt gần 137 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kiểm tra các khu vực, địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường. Các mặt hàng điển hình như: Phân bón, vật tư nông nghiệp, đường cát, hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, thuốc lá điện tử, an toàn thực phẩm,… cũng được lực lượng quản lý thị trường liên tục kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Từ đó, giúp thị trường cơ bản ổn định, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, theo chức năng, nhiệm vụ, lực lượng quản lý thị trường đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng ngăn chặn hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không; nhất là hoạt động kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. Ðặc biệt, lực lượng quản lý thị trường luôn coi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, trọng tâm để kiểm tra, xử lý. Theo đó, đã thực hiện giám sát gần 17 nghìn cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc và kiểm tra hơn 1.000 vụ, xử lý gần 190 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 5,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn nhức nhối, công tác quản lý thị trường còn một số hạn chế nhất định như: Số vụ kiểm tra, phát hiện xử lý giảm so cùng kỳ 2021; ý thức tuân thủ pháp luật của một số cán bộ công chức, quản lý thị trường chưa cao; tình trạng buôn lậu, vận chuyển tàng trữ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Trong đó nguyên nhân khách quan do chính sách pháp luật còn thiếu đồng bộ, chồng chéo; địa bàn quản lý rộng nhưng lực lượng mỏng, đặc thù hoạt động của các cơ quan chức năng khá đơn lẻ, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân chủ quan như việc quản lý, giáo dục cán bộ ở nhiều đơn vị cơ sở chưa tốt; cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu gương mẫu; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý chưa nghiêm; sự phối hợp các lực lượng chức năng ở một số địa phương chưa tốt,…
Hơn một tháng qua, giá xăng dầu đã có 5 kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp, đưa giá xăng RON 95V đang từ mức gần 33 nghìn đồng/lít giảm về 25.340 đồng/lít. Cùng với đó, giá dầu hỏa cũng giảm còn 23.320 đồng/lít, dầu đi-ê-zen là 22.900 đồng/lít. Có thể thấy, nỗ lực kéo giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước qua công cụ thuế, phí đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện khẩn trương, nhằm giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát,…
Việc giảm giá xăng dầu trong bối cảnh hiện tại được người dân kỳ vọng là cơ hội để nhiều hàng hóa, dịch vụ "hạ nhiệt". Tuy nhiên trên thực tế, giá thực phẩm, rau xanh, thịt lợn, hàng tiêu dùng vẫn đang neo ở mức cao, giá dịch vụ ta-xi gần như không có "liên hệ" với sự giảm giá của xăng dầu, mặc dù trước đó, vận tải thường là lĩnh vực có đề xuất điều chỉnh tăng giá cước sớm nhất. Giá cả các mặt hàng đang "cố thủ" mức cao, khiến thị trường có những diễn biến phức tạp, dễ hình thành một mặt bằng giá mới với hàng hóa dịch vụ nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng.
Lo ngại tình hình giá cả hàng hóa vẫn tăng cao, Bộ trưởng Công thương đã ra công điện chỉ đạo làm rõ việc giá xăng giảm mạnh nhưng giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường vẫn neo cao, gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân. Lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường giám sát, quản lý theo địa bàn, nhất là bình ổn giá và phối hợp các lực lượng chức năng khác trong kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường biến động để thu lời bất chính, qua đó, có những đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...