Chủ động nguồn nước sản xuất lúa vụ đông xuân

Lấy nước gieo cấy lúa ở vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ trong vụ đông xuân 2023-2024 được đánh giá là thuận lợi bởi trước lịch lấy nước đợt một khu vực này có mưa nhiều ngày và các địa phương ven biển lợi dụng thủy triều cao vận hành lấy nước khi điều kiện độ mặn cho phép. Chính vì vậy, thời gian lấy nước sau hai đợt đã rút ngắn được hai ngày so với kế hoạch và dự kiến tiết kiệm hàng trăm triệu m3 nước cho các hồ thủy điện.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Trạm bơm Phù Sa (Hà Nội) vận hành hệ thống lấy nước sản xuất vụ đông xuân 2023-2024.
Công nhân Trạm bơm Phù Sa (Hà Nội) vận hành hệ thống lấy nước sản xuất vụ đông xuân 2023-2024.

Kế hoạch vụ đông xuân 2023-2024, nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội gieo cấy hơn 79,8 nghìn ha lúa, thời vụ tập trung cấy từ ngày 4-29/2. Để bảo đảm sản xuất vụ đông xuân đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân xuống đồng lấy nước đến đâu, làm đất, gieo cấy lúa đến đó; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước và phấn đấu cấy hết diện tích trong khung thời vụ tốt nhất.

Đến 15 giờ ngày 21/2, thành phố Hà Nội đã có 92% diện tích có nước phục vụ gieo cấy lúa. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Văn Quyến cho biết: “Những năm gần đây, do lòng dẫn các sông chảy qua địa bàn bị biến đổi, mực nước có xu hướng ngày càng hạ thấp khiến việc lấy nước gặp nhiều khó khăn.

Nhằm bảo đảm nguồn nước cho sản xuất trong vụ đông xuân này, Hà Nội đã di chuyển trạm bơm Phù Sa, hạ thấp bể hút 70 cm so với những năm trước và lắp đặt trạm bơm dã chiến Trung Hà để phục vụ lấy nước hiệu quả hơn. Trong thời gian lấy nước đợt một, thành phố đã vận hành 113 trạm bơm, 269 máy bơm các loại với tổng lưu lượng 408.000 m3/giờ để lấy nước đổ ải. Vì vậy, các huyện có truyền thống gieo cấy sớm như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ đã có tỷ lệ lấy nước đạt cao từ 70-100% diện tích”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, về dài hạn, Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống trạm bơm dọc các tuyến sông, nhất là sông Hồng. Đồng thời, nghiên cứu thiết kế để hệ thống thủy lợi đáp ứng cho việc lấy nước sản xuất. Từ đó, hướng đến hệ thống các công trình thủy lợi vận hành ổn định, bền vững, không phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Quân: “Để sẵn sàng lấy nước sản xuất vụ đông xuân 2023-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố, đơn vị cung ứng nước để vận hành các trạm bơm với quyết tâm cao, lấy nước hiệu quả nhất. Chính vì vậy, vụ đông xuân này diện tích có nước đổ ải, phục vụ gieo cấy cao hơn cùng kỳ năm trước 20%”.

Đến ngày 21/2, toàn tỉnh đã lấy nước được 97% diện tích. Tuy nhiên, vào giai đoạn tưới dưỡng, nhu cầu nước sẽ tăng cho nên Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, công ty thủy nông chủ động phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất; chuẩn bị các trạm bơm dã chiến để vận hành lấy nước nhằm bảo đảm đủ nguồn nước tưới dưỡng cho lúa.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá: “Do đợt một đã cơ bản đủ nước đổ ải cho sản xuất lúa vụ đông xuân 2023-2024 cho nên rút ngắn được hai ngày lấy nước. Lần này lấy nước gặp khó khăn nhất là các địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc và một phần ở Hải Phòng. Trong đó, thành phố Hải Phòng lần đầu tiên có một số diện tích lấy nước khó khăn do ảnh hưởng của mặn. Còn thành phố Hà Nội và Vĩnh Phúc do thời gian thu hoạch cây vụ đông kéo dài cho nên ảnh hưởng đến tiến độ lấy nước, làm đất, gieo cấy.

Trong đợt hai, các địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lấy nước cho những diện tích còn lại. Sau đợt hai, một số địa phương có lượng nước tích trữ trong các sông ngòi, ao hồ... còn hạn chế, cần chủ động lấy nhằm bảo đảm đủ nguồn nước trong thời gian tưới dưỡng cho lúa. Do thời gian tưới dưỡng sẽ không lấy nước tập trung cho nên các địa phương cần tận dụng con triều lên cộng với phát điện tăng cường để lấy nước. Việc này địa phương sẽ vất vả hơn nhưng bù lại sẽ tiết kiệm được nguồn nước xả từ các hồ thủy điện”.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải: “Thực hiện các đợt lấy nước gieo cấy vụ đông xuân, EVN đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tăng xả nước từ các hồ thủy điện từ 1,5-2 ngày nhằm bảo đảm cho các trạm bơm lấy nước phục vụ gieo cấy. Thời gian tới cần thêm nước phục vụ giai đoạn lúa tưới dưỡng Tập đoàn Điện lực

Việt Nam sẽ phối hợp các cục thủy lợi để tùy theo giai đoạn con triều vận hành linh hoạt các hồ thủy điện tăng cường lấy nước cho sản xuất cũng như bảo đảm hiệu quả cho phát điện”.

Thời gian tới, Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương chưa hoàn thành lấy nước trong hai đợt, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác tăng cường các giải pháp, vận hành tối đa phương tiện lấy nước để hoàn thành kế hoạch lấy nước; đồng thời tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ bảo đảm sản xuất lúa. Nhằm bảo đảm cho lúa vụ đông xuân 2023-2024 đạt kết quả tốt, Phó Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Thị Thu Hương khuyến cáo các địa phương và nông dân gieo cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất; đối với diện tích đã gieo cấy cần tăng cường công tác giữ nước trong ruộng để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt; tăng cường bón thúc sau 10-15 ngày cấy.

Đối với những diện tích chưa cấy do thu hoạch muộn cây vụ đông, các địa phương cần vận động nhân dân thu hoạch đến đâu làm đất đến đó để gieo cấy lúa. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, không bón đạm cho lúa khi trời quá rét; chuẩn bị mạ dự phòng khi lúa mới cấy bị chết để cấy dặm; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện kịp thời sâu bệnh gây hại lúa để phòng trừ hiệu quả…

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến 15 giờ ngày 21/2, diện tích đất có nước ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gồm các địa phương: Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hà Nội là 483.554 ha/492.946 ha, đạt 98,1%.