Chủ động nguồn nước gieo cấy vụ xuân

Với dự báo lượng mưa tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ ở mức thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm từ 5 đến 15%, dòng chảy hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 20 đến 40%, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung xây dựng phương án lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Cải tạo hệ thống thủy lợi (Ảnh: Nguyễn Kim)
Cải tạo hệ thống thủy lợi (Ảnh: Nguyễn Kim)

Chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm lấy nước đổ ải, gieo cấy lúa vụ xuân 2023, nhưng hiện nay nhiều hạng mục hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của thành phố, như: Đan Phượng, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai..., bị hư hỏng, xuống cấp. Tại huyện Mỹ Đức, một số tuyến kênh, bể hút các trạm bơm: Hội Xá, Hạ Quất, Quán Sơn... bị sụt sạt bờ, bồi lắng lòng dẫn. Tại huyện Đan Phượng, doi cát trên sông Hồng có xu hướng phát triển chắn ngang cửa dẫn nước vào bể hút Trạm bơm Đan Hoài. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân các công trình trên bị hư hỏng, xuống cấp là do xây dựng từ nhiều năm nay, bị ảnh hưởng do các trận mưa lớn, biến đổi lòng dẫn sông Hồng.

Cùng với tình trạng công trình thủy lợi xuống cấp, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, tổng lượng mưa tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ ở mức thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng từ 5 đến 15%. Dòng chảy trên lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 15 đến 35%, hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 20 đến 40%... Trong khi đó, những năm gần đây, mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, đoạn chảy qua địa phận Hà Nội, ngày càng hạ thấp, nhất là thời kỳ lấy nước đổ ải, gieo cấy lúa vụ xuân, dẫn đến nhiều trạm bơm chính của thành phố như: Ấp Bắc (huyện Đông Anh), Trung Hà, Sơn Đà (huyện Ba Vì), Phù Sa (thị xã Sơn Tây)… không thể vận hành hoặc vận hành không đạt hiệu suất thiết kế.

Theo kế hoạch điều tiết để bổ sung nguồn nước cho hạ lưu các sông: Hồng, Đà, Đuống giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vụ xuân có hai đợt xả nước, với tổng cộng 12 ngày. Cụ thể, đợt một bắt đầu từ 0 giờ ngày 6 đến 24 giờ ngày 9/1/2023 và đợt hai bắt đầu từ 0 giờ ngày 1 đến 24 giờ ngày 8/2/2023. Trong thời gian điều tiết nước đợt một, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội (đoạn cầu Long Biên) duy trì trung bình khoảng 1,7m và đợt hai dự kiến đạt khoảng từ 1,8 đến 1,9m.

Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện trong hai đợt xả nước, bảo đảm cấp đủ nước sản xuất vụ xuân 2023, ngay trong tháng 12/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức các đoàn kiểm tra hệ thống thủy lợi, nhất là tại các hạng mục hư hỏng, xuống cấp để có biện pháp khắc phục kịp thời. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi khẩn trương khắc phục các sự cố công trình, hư hỏng máy móc, thiết bị trạm bơm, nạo vét hệ thống kênh mương; lắp đặt các trạm bơm dã chiến: Sơn Đà, Phù Sa, Ấp Bắc để chủ động lấy nước; bố trí đủ nhân lực sẵn sàng tiếp nguồn nước hồ thủy điện ngay từ đợt một để tích trữ vào hệ thống sông ngòi, ao hồ phục vụ người dân làm đất, gieo mạ; có biện pháp chống thất thoát nguồn nước; quản lý chặt chẽ nguồn nước của các hồ thủy lợi...Các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi nội đồng; tăng cường tuyên truyền để người dân biết được tình hình nguồn nước khó khăn, chủ động phối hợp các đơn vị vận hành công trình thủy lợi tập trung lấy nước trong các đợt điều tiết nước hồ thủy điện...

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, vụ xuân 2023, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu gieo cấy hơn 81.240ha lúa và gần 21.060ha rau màu các loại. Thời vụ gieo cấy lúa tập trung từ ngày 4 đến 28/2/2023; gieo trồng rau màu trong tháng 2 và đầu tháng 3. Đây là vụ sản xuất quan trọng, năng suất lúa xuân thường cao hơn nhiều so với các vụ trong năm. Vì thế, ngành nông nghiệp sẽ tập trung bảo đảm đủ nguồn nước gieo cấy để có vụ xuân thắng lợi.