Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết vụ việc nổi cộm

Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Hà Nội dù đã được chú trọng giải quyết, song tình hình còn diễn biến phức tạp. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành của thành phố phải vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tiếp công dân, giải quyết hai vụ việc tại huyện Sóc Sơn và huyện Thanh Oai. (Ảnh THÀNH NGUYỄN)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tiếp công dân, giải quyết hai vụ việc tại huyện Sóc Sơn và huyện Thanh Oai. (Ảnh THÀNH NGUYỄN)

Năm 2023, thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 4.079 vụ khiếu nại, tố cáo, tăng 21,3% so với năm 2022 (gồm 2.628 vụ khiếu nại, 1.451 vụ tố cáo). Các cơ quan chức năng đã giải quyết 2.517 vụ (gồm 1.615 vụ khiếu nại, 902 vụ tố cáo), đạt tỷ lệ 61,7%. Nhìn chung, số vụ việc còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật.

Hà Nội cũng đã đưa vào vận hành hiệu quả kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính qua ứng dụng Zalo. Đồng thời, thành phố thực hiện thí điểm việc tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến tại Trụ sở tiếp công dân thành phố đối với công dân bốn quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Quốc Oai và Mỹ Đức, qua đó thúc đẩy hiệu quả hơn công tác tiếp dân, giảm khiếu kiện và tháo gỡ nhiều vấn đề ngay từ cơ sở.

Bên cạnh đó, để giải quyết kịp thời, hiệu quả các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tại các ngành, địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát kiện toàn Ban Tiếp công dân, bộ phận tiếp công dân bảo đảm bố trí đủ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức thực hiện công tác này theo quy định.

Vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra, kết luận tại chín đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện: Đống Đa, Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Phúc Thọ, Hoài Đức và Thạch Thất. Qua kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có vụ việc còn chậm so với thời hạn theo quy định và theo yêu cầu của thành phố; có vụ việc còn để tồn đọng, kéo dài dẫn đến đơn vượt cấp.

Hầu hết các đơn vị được kiểm tra đều có những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có những vụ việc thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15, Chỉ thị 15 của Thành ủy Hà Nội.

Tại một số đơn vị, việc phân công các cơ quan (Ban Tiếp công dân, Thanh tra, các phòng chuyên môn) tham mưu, theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc còn trùng chéo, chưa rõ người, rõ việc, dẫn đến kém hiệu quả trong công tác chung. Việc tổ chức thực hiện, theo dõi, tổng hợp các nhiệm vụ được giao tại các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thủ trưởng đơn vị chưa được chú trọng thực hiện dẫn đến phát sinh đơn.

Một số nội dung quản lý nhà nước nổi cộm còn có những vấn đề phức tạp kéo dài cần phải có biện pháp xử lý, giải quyết cụ thể, như: Công tác quản lý, vận hành nhà chung cư phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện đông người chưa rõ thẩm quyền và chế tài để giải quyết. Việc giải quyết bất cập trong giao đất dịch vụ chưa có chuyển biến tích cực mặc dù Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo sát sao. Vướng mắc trong công tác giao đất giãn dân nông thôn (triển khai thực hiện theo Luật Đất đai 1993 và Luật Đất đai 2003) đến khi Nhà nước thay đổi quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất, dẫn đến bức xúc, khiếu kiện của người dân đã được phê duyệt danh sách, đã nộp tiền nhưng chưa được nhận đất.

Ngày 11/4/2024, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội" năm 2024.

Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, ngành chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, đôn đốc giải quyết vụ việc khiếu kiện nổi cộm, phức tạp, kéo dài, còn tồn đọng, tiềm ẩn mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xem xét trách nhiệm của những nơi để xảy ra "điểm nóng", chậm giải quyết các vụ việc dân sinh bức xúc, nổi cộm. Các cơ quan, đơn vị phải nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định pháp luật, kịp thời xử lý các tình huống khi phát sinh các đoàn công dân khiếu nại, tố cáo đông người, hạn chế tối đa các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của đơn vị mình tổ chức quán triệt, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố (qua Thanh tra thành phố để theo dõi, tổng hợp).