Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam, từ năm 2004 đến tháng 7/2022, ngành thép Việt Nam đã hứng chịu 68 vụ khởi kiện quốc tế. Trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp ba vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp sáu vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế tám vụ.
Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, ASEAN. Vào giai đoạn đầu, hầu hết doanh nghiệp trong ngành thép rất hoang mang, lúng túng, vì chưa có nhiều kinh nghiệm đối mặt với vấn đề này.
Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam, từ năm 2004 đến tháng 7/2022, ngành thép Việt Nam đã hứng chịu 68 vụ khởi kiện quốc tế. Trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp ba vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp sáu vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế tám vụ.
Đây được xem là những bài học nhưng cũng từ đó đúc kết được kinh nghiệm, từng bước có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và đã xây dựng thành công những giải pháp hạn chế ảnh hưởng từ phòng vệ thương mại. Sau thời gian đứng ở vai trò bị động của người bị kiện trong các vụ việc phòng vệ thương mại, hiện bên cạnh các giải pháp tích cực chủ động ứng phó, doanh nghiệp ngành thép của Việt Nam còn chủ động phát hiện các hành vi thương mại không lành mạnh của những doanh nghiệp xuất khẩu tại chính thị trường Việt Nam để xây dựng hồ sơ và đề nghị Bộ Công thương khởi xướng điều tra.
Các doanh nghiệp, ngày càng đa dạng hóa thị trường, không “bỏ trứng vào một giỏ”, nhằm tránh rủi ro, cũng như tích cực chuẩn hóa chuỗi sản xuất, gia cố năng lực cạnh tranh và quan trọng hơn là cơ bản đã làm quen với quy trình của một vụ kiện.
Tuy nhiên, với bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết, các quốc gia sẽ tích cực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước, định hình thị trường. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng lớn.
Dự báo xu hướng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ ngày càng phức tạp, cũng như xu hướng điện tử hóa trong xuất, nhập khẩu ngày càng tăng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, đồng thời, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, bất hợp pháp. Đây cũng là biện pháp an toàn, hiệu quả nhất mà doanh nghiệp có thể tham gia để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Chính phủ cần đưa ra quy định về tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích cho ngành sản xuất trong nước; tiếp tục nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các chính sách, quy định về phòng vệ thương mại, xem xét sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương hoặc xây dựng Luật Phòng vệ thương mại để bảo đảm đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế, bám sát thực tiễn, bảo vệ tốt nhất lợi ích của các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới ■