Buổi làm việc nhằm đánh giá nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, xác lập cơ chế làm việc thường xuyên giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Đại học Quốc gia Hà Nội; việc huy động các nguồn lực, sự tham gia của các nhà khoa học đối với công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, tư vấn, hoạch định chính sách…
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân, hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội là một tổ hợp gồm 9 trường đại học thành viên, 2 trường và 2 khoa trực thuộc, 6 viện nghiên cứu và các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, các đơn vị phục vụ và chuyển giao tri thức, hiện đã cơ bản hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Trong số 2.251 giảng viên cơ hữu của Đại học Quốc gia Hà Nội có 62 giáo sư, 414 phó tiến sĩ, chiếm tỷ lệ 20%; tỷ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học trên tổng số giảng viên cơ hữu của là 66%. Công bố quốc tế đã trở thành văn hóa học thuật Đại học Quốc gia Hà Nội với số bài báo quốc tế trong hệ thống WoS/SCOPUS không ngừng gia tăng theo các năm, từ 400 bài năm 2012 lên khoảng 1.600 bài năm 2022.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang tập trung đầu tư các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, để liên kết và tư vấn mang tính liên ngành. Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những địa chỉ tiên phong có những đóng góp tạo dựng nền tảng khoa học lý luận của Đảng một cách vững chắc và mong muốn tham gia các ý kiến trao đổi, đóng góp và đề xuất các cơ hội, nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu, đào tạo về lý luận chính trị, các nhiệm vụ cụ thể cũng như các nhiệm vụ mang tính đường lối, chiến lược của Đảng trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng tham quan không gian học tập tại Hòa Lạc của Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đề xuất những ý kiến chung quanh việc phát huy thế mạnh nghiên cứu nhằm cung cấp, tư vấn các vấn đề cơ chế, chính sách.
GS, TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, dựa trên những tiềm năng, lợi thế của Đại học Quốc gia Hà Nội cần có chính sách mạnh và hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy các nhà khoa học phát huy các lợi thế liên ngành, liên lĩnh vực để tham gia các hoạt động nghiên cứu, tham mưu tư vấn chính sách cho Đảng và nhà nước nhằm giải quyết các bài toán lớn mang tính quốc gia.
Trong thời gian tới, dựa trên những tiềm năng, lợi thế của Đại học Quốc gia Hà Nội cần có chính sách mạnh và hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy các nhà khoa học phát huy các lợi thế liên ngành, liên lĩnh vực để tham gia các hoạt động nghiên cứu, tham mưu tư vấn chính sách cho Đảng và nhà nước nhằm giải quyết các bài toán lớn mang tính quốc gia.
GS, TS Mai Trọng Nhuận
GS, TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, Hội đồng lý luận Trung ương và Đại học Quốc gia Hà Nội đặt các bài toán cần giải quyết một cách cụ thể, thực chất như đầu tư nâng tầm quốc tế cho các tạp chí khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có nhiều cơ hội phát huy khả năng thế mạnh nghiên cứu của mình. Việc dạy các bộ môn chính trị học hiện nay cần có sự đổi mới về phương pháp và cách tiếp cận. Đại học Quốc gia Hà Nội sẵn sàng xây dựng chương trình đào tạo thí điểm về chính trị để tiếp cận người học một cách hiệu quả.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá Đại học Quốc gia Hà Nội có sự phát triển toàn diện, đã và đang khẳng định là trung tâm đào tạo hàng đầu của đất nước, trong bảng xếp hạng thế giới.
Đại học Quốc gia Hà Nội là đại học đa ngành, liên ngành, có tiềm năng, lợi thế, phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mới cho nên dư địa cho các nghiên cứu, tư vấn rất rộng và sâu. Vì vậy, cần xác định cơ chế để huy động, phát huy nguồn lực đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu của Đại học quốc gia Hà Nội cho nghiên cứu, đóng góp ý kiến, tư vấn đối với công tác lý luận của Đảng.
Sự gắn kết Đại học Quốc gia Hà Nội, các nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia với Hội đồng lý luận Trung ương, các trung tâm, cơ sở nghiên cứu góp phần có nhiều hơn những công trình, kiến nghị cho quá trình tổng kết nghị quyết, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện lý luận.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng lưu ý, Đại học Quốc gia Hà Nội cần thật sự chủ động, bám sát chương trình toàn khóa của Ban chấp hành Trung ương, bám chương trình triển khai các nghị quyết của Đảng; quá trình xây dựng pháp luật của Nhà nước…để có thêm nhiều các báo cáo, kiến nghị, cung cấp thông tin cho vấn đề xây dựng lý luận, nghị quyết…
Cần chắt lọc các kết quả nghiên cứu không chỉ của lý luận chính trị mà là các nghiên cứu khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác chủ động trong cung cấp, tư vấn cho Hội đồng lý luận Trung ương.
Với thế mạnh của mình, Đại học Quốc gia Hà Nội cần chủ động lựa chọn đóng góp, tư vấn trong các diễn đàn, hội thảo cho xây dựng văn kiện đại hội của Đảng về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa con người, phát triển bền vững, chủ quyền biên giới biển đảo phát triển quốc phòng an ninh… Ngoài ra, thông qua các chương trình đề tài nghiên cứu và thực tiễn đặt ra, tham mưu Đảng, Nhà nước công tác đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị…