Chống ô nhiễm không khí nhìn từ bài học của các quốc gia láng giềng
Ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Trung tuần tháng 11/2024, lần lượt Ấn Độ và Pakistan đối diện với "vấn nạn" trên. Điển hình như vào ngày 13/11, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại Delhi (Ấn Độ) đã lên tới 418 - mức ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe con người.
Tình trạng trên kéo dài nhiều ngày, buộc chính quyền quốc gia Nam Á phải đưa ra một loạt các biện pháp bao gồm tạm đóng cửa các trường học, hạn chế phương tiện giao thông, xử phạt nặng các trường hợp đốt rơm rạ.
Chính quyền địa phương cũng đã công bố kế hoạch phun nước có chất chống bụi trên đường; thậm chí tính tới việc tạo ra các cơn mưa nhân tạo để giảm thiểu ô nhiễm.
Ấn Độ thắt chặt các biện pháp chống ô nhiễm không khí
Không chỉ dừng lại ở các biện pháp tức thời như trên, thực tế, nhiều quốc gia đã xây dựng một lộ trình bài bản để ứng phó với ô nhiễm không khí.
Một thí dụ điển hình phải nhắc đến là Trung Quốc. Các thành phố của quốc gia này từng phải vật lộn với tình trạng ô nhiễm không khí ở mức cao trong suốt một thời gian dài. Nguyên nhân chính là do mật độ dân số quá lớn, trong khi các yếu tố gây phát thải cũng quá nhiều. Để cải thiện, Trung Quốc đã đề xuất hàng loạt biện pháp và chính sách mới nhằm kiểm soát một cách nghiêm ngặt và hợp lý tổng lượng than sử dụng và hạn chế các dự án phát thải cao để cải thiện chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đưa ra các kế hoạch phát triển nguồn năng lượng mới và sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời; tăng cường sản xuất khí đốt tự nhiên và hạn chế các dự án dẫn đến tiêu thụ năng lượng cao và lượng khí thải cao.
Người dân tham quan quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trong bầu không khí trong lành. |
Kế hoạch đặt mục tiêu giảm tiêu thụ than ở khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và các khu vực lân cận khoảng 10% so với mức năm 2020 vào năm 2025. Mục tiêu giảm 5% đối với khu vực Đồng bằng sông Dương Tử.
Cùng với đó, việc sử dụng than ở tỉnh Sơn Tây và Thiểm Tây phía bắc Trung Quốc bị cắt giảm trong cùng thời gian. Giới chức nước này cũng đẩy nhanh việc loại bỏ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao và lạc hậu.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Trung Quốc muốn giảm 10% mật độ các hạt nguy hiểm trong không khí được gọi là PM2.5 so với năm 2020 và giữ số ngày bị ô nhiễm nghiêm trọng xuống dưới 1%.
Chất lượng không khí TP Bắc Kinh cải thiện rõ rệt nhờ xử lý ô nhiễm hiệu quả
Đối với kiểm soát khí thải do các phương tiện giao thông, Bắc Kinh hạn chế số lượng phương tiện giao thông. Song song với đó là thiết lập các hệ thống giao thông xanh và khuyến khích người dân sử dụng xe điện để giảm lượng khí thải carbon.
Song song, Trung Quốc cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống chuyển đổi carbon dioxit, từ đó giúp bầu không khí trở nên trong lành hơn. Về cơ bản, những hệ thống này sẽ hoạt động như những "máy lọc không khí khổng lồ", giúp hạn chế bớt lượng khí ô nhiễm, và chuyển hóa chúng thành những chất có thể sử dụng được.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Lượng (Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, quốc gia đông dân nhất thế giới còn chủ động phối hợp liên vùng để kiểm soát ô nhiễm không khí. Theo đó, Bắc Kinh và các địa phương lân cận đã thông qua những kế hoạch phối hợp, thống nhất các tiêu chuẩn, cùng ứng phó các trường hợp khẩn cấp và chia sẻ thông tin. Nhờ đó, chất lượng không khí của toàn bộ khu vực kể trên đã được cải thiện đáng kể.
Cuộc chiến cam go với ô nhiễm không khí ở châu Á
Bên cạnh Bắc Kinh, một thí dụ khác cần nhắc tới là Thái Lan. Theo PGS. TS Nguyễn Đức Lượng, thời gian qua, Bangkok đã thể hiện cam kết mạnh mẽ bằng cách thành lập Ủy ban Phòng ngừa giải quyết ô nhiễm không khí do thống đốc làm chủ tịch. Ủy ban này có vai trò giám sát việc thực hiện các giải pháp ngắn hạn và dài hạn về kiểm soát chất lượng không khí. Bangkok cũng thành lập trung tâm điều phối, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí để trong trường hợp phát hiện ô nhiễm sẽ thông báo cho chính quyền các quận biết, từ đó có hành động cụ thể.
Để kiểm soát nguồn phát thải từ ô-tô, xe máy, Bangkok tập trung thúc đẩy sử dụng xe điện, những phương tiện sử dụng dầu diesel hơn 20 năm sẽ thay thế bằng xe điện. Phương tiện của các cơ quan nhà nước được thay thế đầu tiên để làm gương cho cộng đồng. Từ năm 2022, Bangkok bắt đầu áp dụng vùng phát thải thấp (LEZ) ở một quận thuộc nhóm ô nhiễm không khí nhất, từ đó nhân rộng.
Cần sớm hành động vì bầu không khí trong lành
Nêu quan điểm tại Lễ phát động chiến dịch Vì Thủ đô trong xanh sáng 10/1, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhắc lại tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội những ngày vừa qua.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, một người hít vào và thở ra khoảng 22.000 lần một ngày, mỗi lần hít khoảng 500ml lượng khí, như vậy hằng ngày cần 10.000 lít không khí để thở. Bụi mịn PM2.5 với các chất độc hại luôn hiện hữu trong không khí, khi hít thở làm tăng nguy cơ đau tim và tỷ lệ đột quỵ.
Dẫn chứng các số liệu đáng lo ngại, ông Tùng khẳng định: Vấn đề ô nhiễm không khí cần phải được giải quyết một cách "quyết liệt".
"Các bài học trên thế giới đã chứng minh, càng để chậm thì vấn đề càng trầm trọng, giá phải trả càng cao, không chỉ là tài chính, mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau”, ông Tùng nói.
Dẫn chứng các số liệu đáng lo ngại, ông Tùng khẳng định: Vấn đề ô nhiễm không khí cần phải được giải quyết một cách "quyết liệt". |
Về giải pháp giảm ô nhiễm không khí, ông Tùng cho hay, trên thế giới đã có nhiều bài học hay để giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hóa thạch.
Vị chuyên gia kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường không khí bằng những việc thường ngày như ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển xanh, như xe buýt, xe máy, ô-tô điện. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện đã được các nước áp dụng thành công như hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe điện, miễn lệ phí trước bạ cho xe điện, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trạm sạc.
Về trước mắt, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, Hà Nội có thể thực hiện ngay các nhóm giải pháp ngắn hạn như phun nước rửa đường trước đầu giờ sáng để làm sạch đường phố và giảm bụi; lắp đặt camera kiểm soát công trình xây dựng; xóa điểm đen ô nhiễm tại các làng nghề.
Rác thải gây ô nhiễm tại một làng nghề của Hà Nội. |
Đối với lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học, có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục.
“Bên cạnh đó, cần có biện pháp tuyên truyền, nâng cao các hệ thống quan trắc để thông báo cho người dân, một mặt nâng cao nhận thức, mặt khác bảo vệ sức khoẻ, người dân cũng thấy trách nhiệm của mình ở trong đó, làm gì để mỗi người giảm thiểu đi xe máy, bảo dưỡng xe máy, tham gia giao thông công cộng…
Các biện pháp ngắn hay dài hạn liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương và cụ thể các địa phương trong nội thành làm gì, ngoại thành làm gì, có biện pháp triển khai quyết liệt chứ không phải kế hoạch, hô hào chung chung”, ông Tùng nói thêm.
Tăng cường phối hợp liên vùng, liên ngành
Trước đó, khẳng định tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” tổ chức tháng 11/2024, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã khẳng định, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính; cần có sự phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất một số giải pháp bao gồm kiểm soát khí thải thông qua việc áp dụng mức Tiêu chuẩn khí thải nhằm kiểm soát phát thải tại nguồn đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, trước khi đưa vào lưu hành cũng như các loại xe cơ giới đang lưu hành; kiểm soát phát thải thông qua các giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển phương tiện giao thông ít phát thải.
Trong khi đó, Bộ Y tế đã thực hiện một số giải pháp bao gồm: Xây dựng “Khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng” theo các mức chỉ số chất lượng không khí AQI cho người bình thường và những người nhạy cảm.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã khẳng định, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung. |
Đồng thời, xây dựng sổ tay hướng dẫn phòng, chống tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe bao gồm hướng dẫn chung và hướng dẫn cho các nhóm đối tượng người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý nền, người tham gia giao thông và xây dựng hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm môi trường không khí” của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường.
Về phía các địa phương, ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thành phố đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trong đó có các chương trình hành động để hướng tới mục tiêu kiểm soát và giảm thiểu các nguồn ô nhiễm chính từ hoạt động giao thông, công nghiệp, dân sinh...; thiết lập hệ thống cảnh báo phòng ngừa ô nhiễm không khí; Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp, liên vùng huy động các nguồn lực và sự tham gia để thực hiện các giải pháp ngắn và dài hạn.
Vấn đề ô nhiễm không khí cần được giải quyết thông qua việc tăng cường phối hợp liên vùng, liên ngành. |
Hà Nội cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, đã xoá bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xoá bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt trên 90% ở tất cả các khu vực trên địa bàn Thủ đô, triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí…
Đồng thời, Thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa Thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng các-bon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm hoạ của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” - net zero vào năm 2050.
Đặc biệt, với quyết tâm kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, tiến tới hạn chế ô nhiễm không khí cũng để thực hiện đồng bộ Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, ngày 12/12/2024, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Dự thảo nghị quyết xây dựng “Vùng phát thải thấp” (LEZ).
Căn cứ vào một trong các tiêu chí quy định và các điều kiện xây dựng “Vùng LEZ” được nêu ra tại Nghị quyết, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao từng quận huyện lập đề án “Vùng phát thải thấp” phù hợp với đặc thù và năng lực của địa phương mình để trình thành phố phê duyệt, thực hiện. Lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp được Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo và cơ quan thẩm tra đồng thuận là theo 2 giai đoạn.
Cụ thể, từ năm 2025 đến 2030, thành phố thực hiện thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình; cùng với đó, khuyến khích các quận trong khu vực nội đô lịch sử lập vùng phát thải thấp.
Đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, giao thông xanh
Từ năm 2031, các khu vực trên địa bàn thành phố đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết sẽ thực hiện vùng phát thải thấp. Vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã phân công các sở, ngành thực hiện các nhóm giải pháp chung, cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, đôn đốc sở, ngành thực hiện kế hoạch.
Hiện tại, Thành phố đang duy trì quan sát với 36 điểm liên quan tới không khí. Theo Quy hoạch, Thành phố sẽ có 34 điểm quan trắc không liên tục và 20 điểm quan trắc liên tục về ô nhiễm không khí. Đồng thời, tích cực triển khai chương trình, giải pháp giảm ô nhiễm không khí từ giao thông.
Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, Thành phố cũng xây dựng bộ tài liệu về không khí để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Đối với công tác dự phòng, Thành phố đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về cây xanh, mặt nước đô thị. Hiện phong trào trồng cây xanh được phát động đến từng hộ gia đình, cơ quan, trường học.
Khẳng định, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đã rất rõ ràng và kiên định “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Công tác bảo vệ môi trường không khí, là công việc chung của toàn xã hội. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành “Cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong công tác kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí” để triển khai thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Quốc hội sẽ giám sát việc kiểm soát chất lượng không khí tại Hà Nội
Sáng 7/1, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành".
Đáng chú ý, tại Phiên họp, Đoàn giám sát của Quốc hội thống nhất sẽ tổ chức giám sát trực tiếp tại 15 địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Thời gian giám sát dự kiến từ cuối tháng 6 đến trước ngày 31/7.