Công viên hồ Phùng Khoang được thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2008, khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành trong năm 2017. Đến năm 2022, thành phố cho phép dự án giãn tiến độ hoàn thành vào cuối năm này, nhưng đến cuối năm 2024, dự án vẫn dở dang, cỏ mọc um tùm, các hạng mục xuống cấp... gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.
Trước tình trạng này, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí ngày 20/11/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo, đã yêu cầu nhà đầu tư Công viên hồ Phùng Khoang hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa công viên này vào sử dụng phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Khắc phục khó khăn, chủ đầu tư Công viên hồ Phùng Khoang đã tập trung mọi nguồn lực, cơ bản hoàn thành công trình, bàn giao cho quận Nam Từ Liêm tiếp nhận đưa vào quản lý, khai thác, bảo đảm các điều kiện an toàn khi đưa các hạng mục hồ nước, công viên, vườn hoa đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng, cải tạo nhiều công viên, vườn hoa, thực hiện phân cấp quản lý các công viên, vườn hoa. Nhiều công viên được xây mới, cải tạo từ ngân sách và nguồn lực xã hội hóa, tạo diện mạo đô thị khang trang, cải thiện chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, so với tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội, tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu người vẫn chưa đạt chỉ tiêu. Nhiều công viên bị xuống cấp, trong khi nhiều dự án xây dựng công viên mới thì “nằm trên giấy”, hoặc là bị bỏ hoang, không được đưa vào khai thác, gây lãng phí tiền của của xã hội.
Năm 2023, thành phố Hà Nội đã xem xét, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tồn tại đối với hai công viên chuyên đề trên địa bàn quận Hà Đông là Công viên Thiên Văn học và Công viên Cây đàn tại Khu đô thị Dương Nội - đây là các công trình đã đầu tư xây dựng nhưng chưa được đưa vào sử dụng. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt xử lý những vướng mắc, giảm thiểu lãng phí nguồn lực của xã hội, đến nay các công trình này đã được đưa vào sử dụng, khai thác, phục vụ cộng đồng.
Hy vọng rằng, với phương thức chỉ đạo sâu sát, quyết liệt như trên, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục có những chuyển biến trên nhiều lĩnh vực, khắc phục biểu hiện lãng phí, tiêu cực, phát huy các nguồn lực đầu tư của xã hội, đưa Thủ đô phát triển bền vững.