Nên mua gà thả vườn và gà công nghiệp
Đáng chú ý, có hai nhóm gia cầm không phải tiêm vaccine cúm. Đó là nhóm gia cầm nuôi công nghiệp và nuôi thả vườn. Lý giải hai trường hợp này, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia, cho biết thời gian có thể tiến hành tiêm mũi đầu tiên trên gia cầm và thủy cầm là 15 ngày sau khi nở. Mỗi gia cầm và thủy cầm được tiêm hai lần (sau mũi tiêm thứ nhất bốn tuần, tiêm nhắc lại mũi thứ hai). 28 ngày sau mỗi mũi tiêm, cơ thể gia cầm mới bắt đầu miễn dịch. Nghĩa là, khi gia cầm, thủy cầm đã đạt 71 ngày tuổi, mới có thể giết thịt. Gà ta thường phải sau 4 tháng tuổi, đạt trọng lượng chừng 1,2 kg, mới xuất chuồng. Để phòng dịch, gà ta nhất định phải được tiêm vaccine. Trong khi đó, gia cầm nuôi công nghiệp chỉ 38 - 42 ngày tuổi, đạt trọng lượng khoảng 2kg, là đã xuất chuồng. Loại gia cầm chạy vườn cũng xuất chuồng chỉ sau 60 - 70 ngày tuổi, đạt trọng lượng 1,7 - 1,9kg. Đối với hai nhóm này, nếu tiêm vaccine cúm gia cầm, thì hoặc vaccine chưa đủ thời gian có hiệu lực, hoặc là vừa có hiệu lực đã đến hạn giết thịt, việc tiêm phòng như vậy hoàn toàn vô nghĩa. Tuy nhiên, do được nuôi theo một quy trình khoa học, vệ sinh, môi trường chăn thả thường xuyên được khử trùng, diệt khuẩn theo quy định của thú y, gia cầm chạy vườn và nuôi công nghiệp bảo đảm "sạch", không bị nhiễm virus.
Vậy gia cầm thuộc hai nhóm này bán ở đâu? Làm thế nào để phân biệt với những gia cầm khác? Theo PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, hiện nay gà công nghiệp và gà chạy vườn được bán khá phổ biến ở các chợ. Không khó đối với người tiêu dùng khi phân biệt gà công nghiệp có mầu lông hoàn toàn trắng với gà thường. Riêng gà chạy vườn (nhiều nơi còn gọi là gà sạch label) khá giống gà ta. Gà chạy vườn có mầu lông nâu đen đỏ, gần giống mầu bã trầu, không xen lông trắng, nhìn sạch sẽ, đồng thời mượt và tơ hơn lông gà ta do tuổi đời ít hơn. Gà chạy vườn không nuôi nhốt như gà công nghiệp 7 con/1m2 chuồng với quy trình nuôi "bán" công nghiệp như có mái che cho gà trú, cung cấp thức ăn cho gà, 1m2 vườn nuôi khoảng 3 con. Hiện gà thả vườn được bán nhiều ở các siêu thị với giá khoảng 70.000 đồng/con. Còn gà ta (nhiều người còn gọi là gà ri chính cống) hoàn toàn thả rông, nuôi một cách tự nhiên, tự kiếm thức ăn và chỗ trú.
Đó là cách phân biệt đối với gia cầm sống. Còn gia cầm đã qua chế biến, vốn được tiêu thụ rất mạnh do ưu điểm tiện lợi, việc phân biệt rất khó. "Chẳng có cách nào khác là trông đợi vào tinh thần trách nhiệm của người bán hàng", TS Vang nói. Ông khuyến cáo người dân trong trường hợp này nên tự bảo vệ bằng cách từ chối những gia cầm làm sẵn có "nước da" không đẹp, không sáng, mầu nâu, tím hoặc nhăn nheo. Đây có thể là những con đã chết hoặc mắc bệnh. Quan trọng nữa là, trong thời gian tiêm phòng đại trà, tốt nhất nên mua gia cầm thủy cầm có đóng dấu kiểm dịch, sản phẩm của các cơ sở chăn nuôi lớn chịu sự giám sát chặt chẽ của thú y.
Điều đáng nói là dù không nằm trong các nhóm gia cầm cần tiêm vaccine, gà thả vườn và gà công nghiệp vẫn không được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều như gia cầm "ta" vì gà ta thịt thơm, ngọt, mềm chứ không bở và nhạt như thịt gà công nghiệp. Trong khi đó, gần như không thể phân biệt bằng mắt thường đâu là gà ta chưa tiêm, đã tiêm, và đã qua thời gian cách ly sau khi tiêm hay chưa.
Tốt nhất không nên ăn thịt gia cầm trong thời gian cách ly
Bất chấp chưa có bằng chứng gì về tác hại của vaccine tiêm cho hàng triệu gia cầm, thủy cầm đối với sức khỏe người, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo không nên ăn thịt gia cầm, thủy cầm tiêm vaccine trong thời gian cách ly theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "Tốt nhất hãy trở thành người tiêu dùng thông thái nếu có nhu cầu ăn thịt gia cầm, thủy cầm, chỉ nên ăn những con chưa tiêm vaccine hoặc không thuộc diện tiêm vaccine cúm gia cầm", PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), nói.
Trước hết, mọi người có thể hoàn toàn yên tâm về cái gọi là mặt bất lợi của vaccine cúm gia cầm đang được sử dụng tiêm đại trà trên hàng triệu gia cầm, thủy cầm ở Việt Nam. Bộ Y tế Việt Nam sau khi xem xét tất cả các mặt tác động của vaccine cúm gia cầm đang được lưu hành đã đồng ý với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tiêm đại trà vaccine này trên vật nuôi. Kinh nghiệm của Trung Quốc từ năm 1998 và của Indonesia từ năm 2000 cho thấy chưa tìm ra dấu hiệu nào cho thấy hai loại vaccine bất hoạt phòng chống cúm gia cầm mà Việt Nam bắt đầu sử dụng có tác dụng xấu đến người.
Thứ hai, cho dù chưa tìm thấy mặt bất lợi, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo không nên ăn thịt gia cầm, thủy cầm tiêm vaccine cúm gia cầm trong vòng 28 ngày kể từ mũi tiêm cuối cùng lên chúng. Lý do của khuyến cáo này là bởi chưa có bất cứ nghiên cứu chính thức nào về ảnh hưởng của loại vaccine cúm gia cầm đến người. PGS Đính thừa nhận ngay cả Việt Nam cũng chưa có điều kiện kiểm chứng phần tác động nhạy cảm đó.
Trong lúc chưa có nghiên cứu toàn diện, các nhà khoa học vẫn dự trù tình huống xấu nhất. Khi đó, nếu có ảnh hưởng đến sức khỏe người, chỉ có thể là yếu tố nhũ dầu trong vaccine cúm gia cầm. Khác với tá chất trong vaccine dùng cho người thường dùng phèn nhôm, tá chất trong vaccine cúm gia cầm là một loại dầu vô cơ. Thứ dầu tạo nhũ dạng sữa (emulsion) này vốn xa lạ với cơ thể người và các nhà khoa học chưa biết nó có độc với người không và nếu độc, mức độ ra sao.
Hơn nữa, thứ dầu đó không bị phân hủy khi đun trong nước sôi kể cả khi nướng, rán ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ nước sôi. Đấy chính là lý do khiến nhà khoa học khuyên người tiêu dùng tốt nhất không nên ăn gia cầm, thủy cầm tiêm vaccine cúm gia cầm trong thời gian cách ly. Làm như thế là để tránh nguy cơ tích lũy nhũ dầu trong cơ thể khi chưa biết nó có tác hại hay không.