“Bữa tiệc” nghệ thuật đa sắc
Đầu tháng 5, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi động mùa kịch thiếu nhi với chuỗi chương trình “Hành trình kỳ diệu” gồm ba vở diễn; trong đó, vở diễn “Bộ quần áo mới của hoàng đế” vừa ra mắt đã đón nhận nhiều phản hồi tích cực.
Phỏng theo câu chuyện cùng tên của nhà văn Andersen, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn người Nhật Hiroyuki Muneshige, vở diễn đã tìm được cách tiếp cận đầy mới lạ khi kết hợp nhiều ngôn ngữ nghệ thuật như kịch nói, kịch câm, vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng...
Hai vở diễn còn lại: “Rồng thần trở lại”, “Biệt đội siêu anh hùng” lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh “Bảy viên ngọc rồng” và vũ trụ Marvel, với sự kết hợp của bộ đôi Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc-Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long trong vai trò đạo diễn-kịch bản cũng hứa hẹn trở thành những “siêu phẩm” hút khách.
Góp thêm sự sôi động cho sân khấu thiếu nhi năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ giới thiệu bốn vở diễn mới: “Giải cứu bà nội”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Jerome Poncin, là kết quả hợp tác với Nhà hát Bốn bàn tay (Bỉ); nhạc kịch “Zorba-Chú mèo thám tử”, hợp tác với Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc); nhạc kịch “Bữa tiệc của Elsa” và “Vị vua không ngai”, khẳng định những thông điệp ý nghĩa về giá trị của tình thân gia đình, tinh thần đoàn kết, nhân ái...
Với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ngoài “Ninja Magic Show” - chương trình kết hợp giữa xiếc Việt Nam và ảo thuật Nhật Bản, còn có vở diễn mới “Giấc mơ tuổi thần tiên”. Các đơn vị nghệ thuật phía nam cũng hâm nóng sân khấu hè bằng nhiều vở diễn như: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Trạm cứu hộ động vật hoang dã”, “Ngày xửa ngày xưa 35: Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad- Huyền thoại mắt thần”, Nhạc kịch “Colora - Xứ sở rực rỡ”...
Có thể thấy, so với những mùa trước, các chương trình nghệ thuật của sân khấu thiếu nhi hè năm nay đa dạng hơn hẳn.
Bằng nhiều cách, như: kết hợp với các nghệ sĩ quốc tế, sử dụng ưu thế của nhiều loại hình nghệ thuật, khai thác các câu chuyện, tác phẩm văn học quen thuộc theo hướng mới..., những người làm sân khấu đang cố gắng mang đến làn gió mới cho sân khấu thiếu nhi.
Cần những sáng tạo tâm huyết, trách nhiệm
Tuy nhiên, dễ thấy bên cạnh số ít những vở diễn được dàn dựng từ kịch bản Việt Nam, những tác phẩm chuyển thể từ kịch bản nước ngoài hoặc lấy cảm hứng từ câu chuyện, nhân vật nước ngoài chiếm tỷ lệ áp đảo, điều này vô hình trung đã làm bộc lộ “khoảng trống” lớn về kịch bản sân khấu thiếu nhi Việt Nam.
Đây cũng là thực trạng được nhiều chuyên gia đề cập tại Tọa đàm “Phát triển sân khấu dành cho thiếu nhi” trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất-2024 vừa diễn ra tại thành phố Hải Phòng.
Đầu tư cho sân khấu thiếu nhi chính là vun bồi cho cái gốc của nền sân khấu nước nhà, bởi đây là đối tượng khán giả đặc biệt mang trong mình sứ mệnh lịch sử tiếp nối, gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu cha ông. Song đáng tiếc, sân khấu dành cho thiếu nhi lâu nay chưa được quan tâm đúng mức và không nhiều người dám dấn thân vào lĩnh vực này.
Thực trạng cho thấy, sân khấu thiếu nhi còn đang phát triển thiếu đồng đều về loại hình và chất lượng.
Các vở diễn phục vụ khán giả nhỏ tuổi chủ yếu là rối, xiếc, kịch nói, rất hiếm các tác phẩm tuồng, chèo, cải lương, dẫn đến một bộ phận không nhỏ thiếu niên, nhi đồng chưa thể phân biệt các loại hình sân khấu truyền thống cha ông. Ngay trong 17 tác phẩm của 14 đơn vị tham gia liên hoan vừa qua, chỉ có lác đác vài vở chèo, không có bất kỳ vở tuồng hay cải lương nào.
Bên cạnh một số vở diễn nổi bật hẳn, giành giải cao như: “Chú mèo dạy hải âu bay” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Rồng thần trở lại” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng), và vở “Nắm xôi kỳ diệu- Chuyện thằng Bờm” (Nhà hát Chèo Hà Nội)...; vẫn còn không ít tác phẩm dự liên hoan với chất lượng chưa bảo đảm.
Nói như Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo liên hoan: “Có nhiều đơn vị chưa phân biệt rõ tác phẩm đề tài thiếu nhi và tác phẩm dành cho thiếu nhi, dẫn đến vở diễn chưa thật sự thu hút khán giả nhỏ tuổi”.
Với kinh nghiệm nhiều năm phát triển sân khấu thiếu nhi, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ khẳng định, việc đổi mới, đầu tư cho vở diễn không chỉ nằm ở khâu kịch bản mà còn nằm ở kỹ thuật, công nghệ biểu diễn.
Đó là lý do thời gian qua, nhà hát liên tục hợp tác với các nghệ sĩ, nhà hát quốc tế uy tín nhằm tiếp cận những công nghệ, kỹ thuật dàn dựng hiện đại của sân khấu thế giới.
Để giải quyết phần nào vấn đề thiếu kịch bản, nhà hát cũng đã chủ động tham gia tổ chức Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em với mong muốn có thể tìm ra những kịch bản chất lượng, làm tiền đề dàn dựng những vở kịch, nhạc kịch đặc sắc. Nhà hát cũng đang xây dựng mô hình “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học”.
Em Nguyễn Như Khôi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (hiện đang là học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), từng tham gia một số vở diễn dành cho thiếu nhi của Sân khấu Lệ Ngọc, Nhà hát Tuổi trẻ) cho rằng, sân khấu muốn thu hút các em trước hết cần đẹp, hiện đại, nội dung dễ hiểu, giàu tính tương tác.
“Các em nhỏ hiện nay rất thông minh, nhạy bén cho nên cách tiếp cận các em cũng đòi hỏi sự tinh tế và chuyên nghiệp chứ không phải bằng những pha gây cười nhảm nhí, chưa thật sự chạm đến trái tim trẻ nhỏ”, Như Khôi chia sẻ.