Một vùng bao la xóm làng và đồng ruộng, sông ngòi và hồ ao, theo lệnh chúa đất là Trần tướng quân, nhiều người sinh sống bằng nghề trồng cây mai lấy quả gọi là quả mơ, cứ mùa đông thì hoa mai nở trắng ngần, khiến một vùng mặt đất biến thành một trời mây trắng ngần. Ðó là các giống mai vàng, mai trắng, mai hồng mà tên chữ là hoàng mai, bạch mai và hồng mai.
Ðến những năm 80 của thế kỷ 20, làng Ðông Mỹ tức làng Ðông Phù Liệt còn có một cụ Mai Lâm động chủ, tên cúng cơm là cụ Mài có một vườn mai mọc trên ngọn gò nho nhỏ, trồng toàn giống song mai, hoa trắng muốt, mỗi chùm hai bông hoa nở ra hai quả mơ, to bằng quả trứng gà con so, mầu vàng tươi, để chín nục, bóp cho mềm rồi hút nước mơ, nó sẽ là một thứ nước cam lồ vừa chua vừa ngọt, vừa thơm vừa bổ, khó quên. Tiếc sao sang thế kỷ 21, vườn mai thoái hóa, chết dần sau khi cụ Mài, chủ nhân qua đời.
Thế kỷ 19, vì kiêng tên húy vua Tự Ðức, làng Hồng Mai phải đổi thành làng Bạch Mai (kiêng chữ Hồng trong Hồng Nhậm). Theo thời gian, ít ai còn nhắc đến chữ Hồng Mai và Bạch Mai cũng trở thành đường phố, cùng với làng Hoàng Mai lui về phía dưới một chút, thành làng Hoàng Văn Thụ, tên một lãnh tụ cách mạng còn ngôi mộ ở cánh đồng làng ấy.
Mai tiếng Hán có nghĩa là Mơ, quả mơ mà ta quen thuộc với những quả mơ chùa Hương, mơ Lạng Sơn, ngâm rượu làm rượu mơ, ngâm muối làm ô mai hoặc ăn tươi trên đường trảy hội. Vì thế mà vùng này còn có tên nôm là Kẻ Mơ.
Kẻ Mơ từng có món đặc sản nổi tiếng khắp kinh thành:
Em là con gái Kẻ Mơ
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh
Rượu ngon chẳng quản be sành
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may...
Sang đến thế kỷ 20 vùng này còn hoang vu lắm, vắng vẻ lắm, dù có thể đây là những bước đầu tiên của con đường thiên lý vào Kinh Ðô xứ Huế. Cho đến những năm 30, nhà văn Tô Hoài còn ghi lại phố Bạch Mai đúng là một con đường làng, chập tối đã vắng vẻ, chỉ có bóng tre bóng duối soi xuống mặt đường âm u, thấp thoáng ánh đèn dầu trong các ngõ hắt ra mờ tỏ. Mới chập tối đã có tiếng chó sủa trăng văng vẳng. Thời gian đó còn có một nhà văn nổi tiếng khác sống ở đây: Nguyễn Ðình Lạp, người viết "Ngoại ô" mà nguyên mẫu các nhân vật đều là người dân ở đây, lầm than, cơ cực, vất vả lao đao... như người làm nghề bánh dày bánh giò, giò chả.
Phố Hàng Gai.
Giữa thế kỷ, vẫn còn nhiều người dân cư ngụ nơi khu vực này (không phải dân Ước Lễ) làm nghề bán hàng rong, đội một thúng hàng gồm giò lụa, giò trâu, chả trâu, chả bì, chả mỡ, cùng là bánh dày từng đôi đặt trên lá chuối, gập vào với nhau, bánh giò bột lọc, nhưng đã nguội. Anh ta đi bán hàng, rao hàng bằng một âm đục, khê và kéo dài: "Giòòò...". Một tay xách chiếc đèn chai. Ðèn chai là đèn thắp bằng dầu lạc, bóng đèn là cái chai cắt trôn và cắt cả cái cổ chai. Ðèn đặt trên miếng gỗ, xỏ quai bằng dây thép để lấy chỗ cầm.
Phố Bạch Mai và khu vực chợ Mơ cũng tự mình đổi khác. Cho đến năm 1954, Hà Nội được giải phóng, phố Bạch Mai dân từ nội thành ra, qua Ô Cầu Dền, mà cột đèn bên này là nội ô, cột đèn bên kia đã là ngoại ô, phố còn thò ra thụt vào, thưa thớt đôi ba bóng cây bàng đơn độc. Riêng mặt đường vẫn khấp khểnh lầy lội. Con đường xe điện từ Bờ Hồ xuống chợ Mới Mơ được đặt nổi trên mặt đường nhựa giống hệt đường xe lửa, cùng một công thức với đường tàu điện Hà Nội - Hà Ðông. Những ngõ Tô Hoàng, Ðình Ðông, Ðình Ðại, Văn Chỉ, Giếng Mứt, Mai Hương, Lò Lợn là những đường xương cá tỏa ra hai bên, vẫn nhà ở lẫn với hồ ao và vườn tược.
Cuối phố Bạch Mai là cái chợ có lẽ đã sinh ra được vài trăm năm, nguyên nó chỉ là cái chợ của mấy làng mơ. Ðây cũng là ngã tư, một rẽ trái sang Nghĩa trang Hợp Thiện, Quỳnh Lôi, nay là phố Minh Khai. Một rẽ phải sang Ngã tư Vọng, có bệnh viện Bạch Mai, nay là phố Ðại La. Còn nếu đi thẳng là ra ngoại ô một thời toàn đồng ruộng, ao rau muống, để xuôi xuống Văn Ðiển, chỗ ngã ba Ðuôi Cá gặp con đường số Một chính thức vào ga Văn Ðiển.
Chợ Mơ là kết thúc phố Bạch Mai. Từ cái chợ làng họp theo phiên, năm ngày thì có hai phiên, gồm một phiên chính và một phiên xép (xin phân biệt chợ phiên và phiên chợ là hai khái niệm, hai sự biệt hoàn toàn khác nhau, chợ Mơ là chợ có phiên chợ, chứ chưa bao giờ là chợ phiên, mà nay khái niệm chợ phiên là một thứ Hội chợ vậy).
Chợ Mới Mơ vì nó được xây dựng mới, gồm cả một phần của chợ Ðuổi là chợ Hàng Gà phố Huế bị đuổi, phải giạt xuống khu vực này. Chợ nằm bên trái phố, là dãy nhà cuối cùng, dãy số lẻ, một bên là phố Minh Khai, một bên là con ngõ tên là ngõ Lò Lợn, vì từng là nơi giết mổ lợn cung cấp thịt cho thành phố.
Chợ đã nhiều lần xây dựng và thay đổi. Ðến nay có ba cầu chợ, không lợp tôn hay mái bằng, không có giàn sắt, mà vẫn có hơi hướng của một cái chợ quê, cột gạch, lợp ngói. Giống như rất nhiều chợ quê khác còn lại, thêm chút ít phong vị thị thành, chợ Mơ có đủ các thứ hàng hóa, thượng vàng hạ cám. Từ khu vực cây xanh, giống cây để trồng chơi hay con su hào, quả su su nảy mầm, cành rau ngót, mớ giống rau mùi... đến khu vực các con giống, từ lợn con đến lợn choai choai da đỏ hồng, da đen nhãy, hay con chó con luôn mồm ăng ẳng, con mèo mướp, mèo vàng, mèo đen kêu meo meo, bị nhốt trong lồng tre, nếu là người buôn thì mới có lồng sắt.
Thời bao cấp, có công ty ăn uống, chợ Mơ có cửa hàng mậu dịch, có quầy làm kem và bán kem, chủ yếu là kem que, bán ngay tại chỗ và bán buôn vào các thùng gỗ vuông mang ra ngoại thành.
Chợ Mơ không hoàn toàn là chợ quê nữa. Nó khác hẳn chợ Ðơ ở Hà Ðông hay chợ Nủa của Hà Tây. Nó cũng không còn giống chợ Ðồng Xuân hay sang trọng như các siêu thị mới mở ra. Và nó cũng không phải là chợ đầu mối chuyên bán buôn hoa quả nhập từ Trung Quốc, từ miền nam ra hay cá khô sặc mùi nồng nặc như chợ Long Biên. Chợ Mơ là sự pha trộn nửa quê nửa tỉnh, nửa thành thị nửa nông thôn. Nhưng về đời sống, nó không đóng góp gì nhiều cho kinh tế và văn hóa thành phố, nhưng nó rất cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân trong một khu vực rộng lớn phía nam thành phố.
Hẳn cũng ít ai còn nhớ đây là đất phong của tướng Trần Khát Chân, dòng tên Hồng Mai cũng chìm vào quá khứ, chữ Mới Mơ cũng chỉ còn gọi tắt là chợ Mơ. Cũng may là chợ chưa bị xây lên cao tầng, để bỏ trống những tầng trên như vài ba chợ khác. Vì chợ Mơ vẫn giữ được nét gì hơi cũ.