Chờ gỡ vướng đến bao giờ?

UBND thành phố vừa tiếp tục kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xin cơ chế gỡ vướng nhiều nội dung liên quan lĩnh vực đất đai và tài nguyên môi trường. Đó là, các khó khăn liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng, khó khăn về cơ chế thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất…
0:00 / 0:00
0:00

Phần lớn kiến nghị này không còn mới, thậm chí đã được doanh nghiệp, người dân phản ánh trong nhiều năm nhưng chưa được tháo gỡ giải quyết, hậu quả là hàng trăm dự án về nhà ở rơi vào tình trạng “trùm mền” chờ cơ chế. Thống kê cho thấy, trong 1.532 dự án chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 2021-2026 trên địa bàn thành phố thì có đến 357 dự án (chiếm 24,7%) chưa triển khai thực hiện.

Trong đó, có 143 dự án bị vướng mắc pháp lý, số còn lại không giải phóng được mặt bằng cho nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần, hoặc phải tạm dừng dự án. Những dự án chậm triển khai này đã gây lãng phí tài nguyên đất, làm ảnh hưởng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân có đất bị thu hồi.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi chờ Trung ương tháo gỡ, Thành phố Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh hơn nữa tinh thần tự chủ, vượt khó, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp. Công bằng mà nói, những vướng mắc hiện tại một phần do các quy định của pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn nhưng chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn, gỡ vướng kịp thời. Phần còn lại là do các cơ quan, ban, ngành của thành phố chưa hoàn thành trách nhiệm được giao, thậm chí, có tình trạng “đá bóng trách nhiệm”.

Đơn phản ánh mới đây của một doanh nghiệp về tình trạng “đá qua đá lại” giữa các sở, ngành về hồ sơ đóng tiền sử dụng đất là một thí dụ điển hình: Dự án của doanh nghiệp đã hết thời hạn, muốn được đóng tiền sử dụng đất thì phải làm thủ tục gia hạn thực hiện dự án. Nhưng khi chủ đầu tư làm thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án thì lại được yêu cầu phải đóng tiền sử dụng đất. Kết quả là doanh nghiệp này 5 năm chưa được đóng tiền sử dụng đất. Hay ngay tại việc giải ngân vốn đầu tư công của thành phố thấp (hơn 30%), ngoài những nguyên nhân khách quan thì còn do chính quy trình thủ tục, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và quận, huyện còn chậm trễ. Như phản ánh của quận Bình Tân, dù đã ba lần gửi kiến nghị cho sở, ngành nhưng không được trả lời…

Trong nhiều cuộc họp, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn phản ánh, ở các địa phương khác, một dự án trung bình chỉ mất ba đến bốn tháng là có kết quả thẩm định và phương án tính tiền sử dụng đất thì tại Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết xong hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng. Đây là trách nhiệm thuộc về các sở, ngành có liên quan của thành phố, cần phải nhanh chóng khắc phục.

Thiết nghĩ, cùng với việc kiến nghị cơ quan Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù; việc thành phố có thể làm ngay là khơi thông điểm nghẽn về cải cách hành chính dẫn tới sự trì trệ trong phát triển kinh tế như tổ chức lại bộ máy, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để xử lý các vấn đề về hồ sơ hành chính, quy trình trong nội bộ nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Với các vướng mắc đang gặp phải, thành phố nên tổng rà soát rồi tổng hợp để chia thành các nhóm nội dung. Nhóm nội dung nào không thể thực hiện được thì trả lời cho người dân, doanh nghiệp được biết; nhóm giải quyết được thì tập trung xử lý hồ sơ đúng tiến độ, đúng thẩm quyền; nhóm hồ sơ nào cần báo cáo kiến nghị Trung ương thì phải ráo riết kiến nghị rồi đeo bám quyết liệt đến khi Trung ương trả lời.