Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn duy trì ổn định. Chốt tuần, giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức trung bình 3.500 tỷ đồng mỗi phiên.
Là hai thị trường rất nhạy cảm với các yếu tố vĩ mô, các mặt hàng năng lượng và kim loại đồng loạt gặp sức ép rất lớn khi mà loạt dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy các tín hiệu bất ngờ tích cực hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường. Điều này làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục tích cực trong lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, từ đó gây áp lực tới nền kinh tế.
Giá kim loại lao dốc trước sức ép của đồng USD
Thị trường kim loại trải qua một tuần giao dịch đầy khó khăn khi hầu hết các mặt hàng đều lao dốc. Với nhóm kim loại quý, giá bạc giảm 5,15% về 22,41 USD/ounce, còn giá bạch kim đánh mất mốc 1000 USD với mức giảm 3,59% về 980,3 USD/ounce.
Giá hai mặt hàng kim loại quý đi ngang phần lớn thời gian của tuần, và không bị ảnh hưởng quá tiêu cực bởi đợt tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và đợt tăng 50 điểm cơ bản của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Phần lớn sức ép tới từ sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, khi mà các nhà đầu tư muốn phân bổ dòng vốn vào các loại tài sản rủi ro thay vì các tài sản mang tính trú ẩn.
Tuy nhiên, lực bán mạnh thực sự xuất hiện vào phiên giao dịch cuối tuần, khi thị trường chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của đồng USD, với chỉ số Dollar Index tăng lên 102,92 điểm, mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Số liệu Bảng lương Phi nông nghiệp tăng mạnh hơn dự đoán, và khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về việc FED sẽ không sớm ngừng chu kỳ tăng lãi suất. Cả thị trường bạc và bạch kim đều hứng chịu sức ép bán rất lớn sau khi tin tức này được công bố, và vai trò trú ẩn của cả hai kim loại quý này đều bị thất thế trước đồng bạc xanh.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giảm 3,93% về 4,06 USD/pound, mức thấp nhất trong gần một tháng, và giá quặng sắt giảm 1,19% về 124,86 USD/tấn. Bên cạnh sức ép từ sự gia tăng của đồng USD, giá các mặt hàng kim loại cơ bản suy yếu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn chưa phục hồi tích cực như kỳ vọng. Tồn kho đồng tại Sở Giao dịch Thượng Hải đã tăng lên 110.386 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Với quặng sắt, tồn kho nhập khẩu tại 45 cảng lớn của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng là 137,3 triệu tấn.
Giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng
Kết thúc tuần giao dịch ngày 30/1-5/2, toàn bộ 5 trên tổng số 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Khí tự nhiên dẫn đầu đà suy yếu với mức giảm hơn 15% xuống còn 2,41 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. Nguồn cung dồi dào có thể sẽ được tiếp tục bổ sung khi Freeport LNG ở Texas, một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã đóng cửa do một vụ nổ vào năm ngoái của Mỹ, đang chuẩn bị hoạt động trở lại. Động thái này báo hiệu sẽ có nhiều lô hàng nhiên liệu hơn vào cuối quý này, trong khi nhu cầu chưa có sự gia tăng đáng kể và từ đó, gây sức ép tới giá khí.
Tương tự, giá dầu thô cũng đã ghi nhận một tuần lao dốc trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu vẫn còn yếu, trong khi các lo ngại vĩ mô xoay quanh tiến trình thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng tạo ra áp lực bán mạnh. Dầu WTI đã đánh mất 7,89% giá trị trong tuần qua, xuống mức 73,39 USD/thùng. Dầu Brent cũng giảm mạnh 7,48%, đánh mất mốc 80 USD/thùng.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vào giữa tuần cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ đã tăng vào tuần kết thúc ngày 27/1, lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Điều này phản ánh bức tranh tiêu thụ vẫn đang còn mờ nhạt và kéo giá dầu lao dốc mạnh ngay sau đó.
Trong khi đó, về mặt vĩ mô, cuộc họp của FED đã quyết định bổ sung lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên khoảng 4.5% - 4.75%, cao nhất kể từ năm 2008. Thông tin này về cơ bản không gây ra bất ngờ cho thị trường khi phần lớn các nhà đầu tư đều kỳ vọng các mức tăng sẽ chậm lại trong bối cảnh lạm phát rõ ràng có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp việc chủ tịch FED vẫn phát đi các tín hiệu mạnh tay đối với kế hoạch thắt chặt tiền tệ.
Tuy nhiên, dữ liệu về thị trường lao động tại Mỹ được công bố vào cuối tuần bất ngờ tích cực đã làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến tăng lãi suất sẽ còn kéo dài. Cụ thể, Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người có việc ngoài ngành nông nghiệp đã tăng thêm 517.000 việc làm trong tháng 1, cao hơn nhiều so với ước tính 185.000 của các nhà kinh tế, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,4%, là mức thấp nhất kể từ năm 1969. Rủi ro FED có thể tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhằm hạ nhiệt thị trường lao động khiến đồng USD mạnh lên và gây áp lực tới chi phí đầu tư mặt hàng dầu thô.
Mặc dù vậy, rủi ro nguồn cung có thể sẽ sớm quay trở lại thị trường dầu, nhất là khi cuối tuần qua, nhóm nước G7 và EU đã đồng thuận đặt mức trần giá 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu diesel của Nga, nằm trong kế hoạch cấm vận dầu tinh chế từ quốc gia này kể từ ngày 5/2 mà vẫn đảm bảo dòng chảy nhiên liệu. Ngoài ra, các nước phương Tây cũng ủng hộ mức trần 45 USD cho những sản phẩm tinh chế bán với giá chiết khấu, như dầu nhiên liệu và một số loại naphtha. Tác động của lệnh cấm vận này vẫn còn nhiều ẩn số, song mới đây, Bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia đã đưa ra cảnh báo các lệnh trừng phạt và đầu tư kém trong lĩnh vực năng lượng có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung cấp năng lượng.
Ngoài ra, về nguồn cung của Mỹ, các công ty năng lượng trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên nhiều nhất kể từ tháng 6/2020. Theo dữ liệu từ Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 10 xuống 599 trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 9.
Giá năng lượng và kim loại đối mặt nhiều yếu tố cản trở đà phục hồi
Đánh giá về triển vọng thị trường trong tuần này, MXV nhận định, thị trường dầu thô sẽ tạm thời ít chịu các tác động từ các yếu tố vĩ mô hơn so với tuần trước. Tuy nhiên, những lo ngại về việc FED sẽ đẩy lãi suất lên trên 5%, nhất là khi bức tranh lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ như hiện tại, có thể sẽ tiếp tục gây trở ngại đối với đà phục hồi của giá dầu. Sự tập trung sẽ chuyển hướng sang việc đánh giá các tác động từ lệnh cấm vận mới của các nước châu Âu đối với dầu tinh chế của Nga. Trước đó, các quốc gia châu Âu đã tăng cường dự trữ với các chuyến hàng vào EU trong quý IV/2022, đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2016. Ngoài ra, báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 2 của EIA vào đêm thứ Tư cũng sẽ tác động mạnh tới xu hướng giá dầu.
Đối với thị trường kim loại, các nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại và đánh giá lại về triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc, bởi ngay cả khi cầu đã mở cửa trở lại quốc gia này vẫn cần thêm thời gian để khôi phục các hoạt động kinh tế quay trở lại mức bình thường.