Chính sách thuế-tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp

NDO - Chiều 21/8, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Chính sách thuế-Tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp" nhằm phân tích, luận bàn, đánh giá những vấn đề nổi bật liên quan thúc đẩy phát triển, quản lý công nghiệp công nghệ số; nội hàm, bản chất của tài sản số; nghĩa vụ thuế liên quan tài sản số cùng nhiều nội dung được nêu ra trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Tọa đàm Chính sách thuế-tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp. (Ảnh: VGP)
Quang cảnh Tọa đàm Chính sách thuế-tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp. (Ảnh: VGP)

Các khách mời tham dự tọa đàm gồm: Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Trương Bá Tuấn (Bộ Tài chính); Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung; CEO Công ty Alpha True Trần Huyền Dinh.

Tăng trưởng ấn tượng

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho biết, có rất nhiều con số nói về tài sản số tại Việt Nam, điển hình theo báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD. Con số này tăng trưởng đến năm 2023 là 120 tỷ USD. Năm 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số (nghĩa là 21% dân số Việt Nam sở hữu) chỉ sau Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Hoa Kỳ. Năm 2023 Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7. Đặc biệt, 2 quốc gia nhỏ, sát với chúng ta là Thái Lan và Singapore đã vươn lên đứng thứ 5 và 3.

Tài sản số không chỉ là những con số mang tính chất quy mô về dòng tiền dịch chuyển về Việt Nam, mà còn có quy mô cạnh tranh khu vực. Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế mang giá trị tích cực chứ không thể có cách nhìn tiêu cực là ảnh hưởng tới ổn định kinh tế từng quốc gia nói riêng.

Chính sách thuế-tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp ảnh 1

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung chia sẻ về tài sản số hiện nay tại Việt Nam. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, một trong những điểm mới và tương đối nổi bật trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số có lẽ là: Lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tài sản số. Mặc dù tài sản số hay tiền ảo trên thực tiễn đã rất phát triển nhưng về mặt pháp lý dường như chúng ta chưa theo kịp, chúng ta chưa có một khung khổ pháp lý cho loại tài sản này. Chính vì thế, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số lần đầu tiên tại Điều 8 có quy định về tài sản số. Đây là một điểm nổi bật của dự thảo lần này.

Dự thảo dù chỉ đưa ra 1 điều khoản, khoản 1 quy định định nghĩa, khái niệm về tài sản số, khoản 2, 3 có giao cho các bộ, ngành liên quan triển khai việc soạn thảo, hay đưa ra chính sách cụ thể liên quan tới tài sản số này. Về ý nghĩa và sự cần thiết, vì trên thực tế đã phát sinh và tương đối phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, nên cần một khung khổ chính thức có lẽ là điều cần phải tính đến. Có rất nhiều quốc gia đang trong quá trình này.

Cần xây dựng khung khổ pháp lý

Chính sách thuế-tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp ảnh 2

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn trình bày ý kiến tại tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Theo ông Đậu Anh Tuấn, khi có khung khổ chính thức thì hoạt động đầu tư kinh doanh theo lĩnh vực này mới có thể hình thành và phát triển được. Chính vì chúng ta chưa có khung khổ pháp lý chính thức nên thời gian vừa qua, có những hoạt động đầu tư kinh doanh buộc phải rời bỏ Việt Nam, thí dụ Tập đoàn Sky Mavis, một tập đoàn kỳ lân công nghệ của Việt Nam có hệ sinh thái game, là doanh nghiệp thuần Việt Nam nhưng do chúng ta chưa có khung khổ pháp lý cho tài sản trong game và hoạt động dựa trên cơ sở nội dung số, tài sản số rất lớn, nên cuối cùng họ chọn Singapore làm nơi đóng trụ sở.

Với sự phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ như hiện tại, VCCI mong rằng, Việt Nam cần phải là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ số. Cho nên, chúng ta từng bước phải xây dựng khung khổ pháp lý cũng là điều rất quan trọng. Khi có pháp lý, công nghiệp công nghệ số dần được hình thành, phát triển mạnh mẽ, quyền và lợi ích của những người tham gia trong lĩnh vực này được bảo vệ. Đã có rất nhiều giao dịch liên quan tới tài sản số, nếu chúng ta chưa có khung khổ pháp lý thì giao dịch này trở nên rủi ro, mỏng manh, những người liên quan không được bảo vệ. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, nhu cầu có khung khổ pháp lý cho tài sản số, cho các giao dịch liên quan tới tài sản số là điều Việt Nam cần cân nhắc và nhanh chóng thúc đẩy.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn: Trong thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ, tài sản số cũng phát triển rất mạnh trên thế giới. Chúng ta không có khung pháp lý liên quan đến tài sản số nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân. Vì vậy, cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số. Trong đó, phải xác định và làm rõ được định nghĩa tài sản số là gì cũng như vị trí pháp lý của tài sản số và những đặc trưng, đặc tính của tài sản số. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan mới có các biện pháp, chính sách để hình thành khung pháp lý đồng bộ.

Chính sách thuế-tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp ảnh 3

Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn. (Ảnh: VGP)

Tài sản số có thể sử dụng với nhiều mục tiêu khác nhau. Để quản lý được vấn đề này, chúng ta thừa nhận và quản lý nó như tài sản thì đòi hỏi không chỉ sự tham gia của Bộ Tài chính mà của rất nhiều bộ, ngành có liên quan. Phía Bộ Tài chính, trường hợp dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua, trong đó chúng ta đã đưa ra được định nghĩa về tài sản số cũng như các nội dung có liên quan, thì trong phạm vi và chức năng của mình, Bộ Tài chính sẽ triển khai thực hiện các vấn đề liên quan, bao gồm cả hoàn thiện chính sách về thuế.

Ông Đậu Anh Tuấn: Nếu là một tài sản thì việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu rất quan trọng. Chính vì thiếu khuôn khổ pháp lý cho nên trong thời gian vừa qua, có những trục trặc, có rất nhiều vụ sụp đổ, lừa đảo khiến nhiều nhà đầu tư bị mất tiền nhưng không có cơ chế nào để bảo vệ cả. Đấy là một thực tiễn.

Hay thí dụ nhỏ thế này: Chúng ta có tài khoản Facebook mà giá trị có thể lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng nhưng có tranh chấp chuyển nhượng liên quan đến tài khoản ấy thì pháp luật hiện nay cũng chưa có căn cứ nào để xử lý cả. Hay có trục trặc giao dịch cũng không có cơ chế nào xử lý. Cho nên đấy là nhu cầu rất lớn từ thực tiễn. Chính vì thế, dự thảo luật lần này lần đầu tiên đưa ra một định nghĩa pháp lý nhưng còn việc bảo vệ quyền sở hữu thì cần phải có hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành. Chúng tôi cho rằng, việc xác lập ở đây, chúng ta chú trọng một số chế định quan trọng đối với tài sản số.

Trước hết là vấn đề thuế. Hiện nay đúng là phải có hành lang, căn cứ để thực hiện việc thu các sắc thuế như là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp. Đấy là những sắc thuế mà chúng ta có thể thu.

Thứ hai là vấn đề bảo vệ quyền sở hữu, nếu có tranh chấp thì cơ chế xử lý như thế nào. Rồi cũng có thể là vấn đề trách nhiệm của các chủ thể trong việc lưu trữ thông tin, quản lý thông tin về tài sản, đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tôi lấy ví dụ: Nếu các sàn giao dịch gặp sự cố, bởi mọi thứ lưu trữ chúng ta không thể cầm nắm vật lý được mà lưu trữ trên không gian mạng nên nếu có sự cố thì quyền lợi của người sở hữu ra sao? Như vậy, phải có cơ chế để vẫn có thể khôi phục được. Như thế tránh được tình trạng một số sàn giao dịch huy động tiền của nhà đầu tư rồi sập, khiến nhà đầu tư mất trắng như thời gian vừa qua. Chúng ta phải có quy định liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ trong lĩnh vực này.

Việc này hoàn toàn không dễ, nếu đưa vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số thì cá nhân tôi, với tư cách người nghiên cứu về luật nhiều năm, vẫn thấy có sự mong manh. Bởi vì đây là luật chuyên ngành, trong khi liên quan đến quy định về tài sản, liên quan đến chế định, đến sở hữu thì phải là những đạo luật như Bộ luật Dân sự. Cho nên, gốc rễ là chúng ta phải cân nhắc triển khai nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Dân sự hiện tại. Theo khái niệm về tài sản trong Bộ luật Dân sự hiện tại thì tài sản số là không phù hợp. Theo định nghĩa về tài sản của Bộ luật Dân sự về vật, tiền, giấy tờ có giá hay quyền sở hữu tài sản thì cả 4 loại này đều không phù hợp với tài sản số. Những loại được công nhận không phải là giấy tờ có giá cũng chưa phải. Chính vì thế chúng tôi cho rằng gốc rễ là chúng ta phải triển khai nghiên cứu khái niệm tài sản làm sao toàn diện hơn trong Bộ luật Dân sự thì khi đấy mới bảo vệ một cách chắc chắn.

Chúng ta có căn cứ trong luật và sau đấy quá trình triển khai thì linh hoạt, uyển chuyển và dựa trên những bằng chứng từ thực tiễn. Có lẽ đấy là cách tiếp cận phù hợp cho nên đòi hỏi sự toàn diện, đầy đủ ban đầu có lẽ là khó. Nhưng chúng tôi cho rằng phải nhắm từ nhu cầu thực tiễn và dần dần có khuôn khổ pháp lý phù hợp. Giai đoạn này bắt đầu vẫn là phù hợp, cần thiết. Tôi rất ủng hộ Luật Công nghiệp công nghệ số lần này đề cập đến khái niệm tài sản số.

Trong khi đó, ông Trương Bá Tuấn cho biết, hiện nay, chúng ta có 3 chính sách thuế liên quan đến điều chỉnh mua bán, chuyển nhượng, giao dịch tài sản, đó là: Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng. Nếu chúng ta xem tài sản số là loại tài sản cần quy định ở văn bản quy định pháp luật, mà tới đây chúng ta dự kiến sẽ nằm ở Luật Công nghiệp công nghệ số thì chúng ta sẽ có căn cứ để thực hiện việc thu thuế với các nghĩa vụ thuế phát sinh liên quan đến giao dịch chuyển nhượng tài sản số đó.

Thực tế hiện nay, 3 luật thuế trên quy định khá rõ về người nộp thuế, đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế và thuế suất. Trường hợp tài sản số là tài sản thì có căn cứ để thực hiện thu thuế. Tuy nhiên, ở đây có một điểm là, tài sản số có rất nhiều loại hình mà chúng ta cần định nghĩa rõ. Hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông không dùng khái niệm “tài sản số” mà chuyển sang dùng khái niệm “tài sản mã hóa”. Cho nên, ngay cả khái niệm chúng ta cũng cần phải thống nhất để phân loại đúng, bởi vì mỗi tài sản số có thể phục vụ cho mục tiêu khác nhau, từ đó mới có căn cứ thực hiện việc thu thuế. Còn nếu trong trường hợp pháp luật thuế chưa bao quát được các hoạt động liên quan đến tài sản số thì chúng ta không có căn cứ để hoàn thiện pháp luật về thuế. Bởi pháp luật về thuế chỉ quy định về thuế gắn với đặc trưng, đặc điểm, hoạt động quy định ở pháp luật chuyên ngành. Như vậy, chúng ta cần sự đồng bộ trong hoàn thiện các pháp luật liên quan...