Sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân

Trên thực tế, mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay không còn phù hợp với giá cả thực tế và chi phí cho nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh đó, cách tính mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn nhiều bất cập.
0:00 / 0:00
0:00
Kê khai thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NAM ANH
Kê khai thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NAM ANH

Hiện nay cách tính giảm trừ gia cảnh căn cứ vào biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải bổ sung thêm xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống

Với tổng thu nhập của hai vợ chồng một tháng là 40 triệu đồng, chị Hoàng Hương sống tại Hà Nội cho biết, ngoài tiền ăn, tiền điện nước, tiền học cho hai con… gia đình còn phải trả một khoản thuê nhà 10 triệu đồng/tháng nên hai vợ chồng phải dè sẻn từng đồng. Trong khi đó, năm vừa rồi, gia đình chị Hương vẫn phải nộp hơn 11 triệu đồng tiền thuế TNCN.

“Đóng thuế thu nhập cá nhân là trách nhiệm của người dân, tuy nhiên sau dịch Covid-19, giá cả hàng hóa tiêu dùng đều đã tăng cao, thu nhập không đủ chi tiêu. Vì vậy, thuế thu nhập cá nhân đang trở thành gánh nặng của gia đình tôi”, chị Hương lo lắng không biết phải xoay xở ra sao trong thời gian tới.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn đại biểu QH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức này duy trì từ tháng 7/2020 đến nay.

Dẫn số liệu, bà Thủy cho biết, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%... Nếu như gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng; nếu gia đình có con đi học, chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình… Vì vậy, nếu phải chờ thêm hai năm nữa mới được thông qua quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh "thắt lưng buộc bụng" nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN. Điều này không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế.

Bà Thủy cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tiêu chí dùng để tính mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN. Cụ thể, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi CPI biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Bởi trên thực tế, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các quy định hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là phải dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý. Thực tế, các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ có khoảng hơn 20 mặt hàng, trong khi phải chờ tính mức trung bình của 752 mặt hàng sẽ rất lâu, thậm chí 6 đến 7 năm. Như vậy sẽ không phản ánh kịp thời những biến động trong chi tiêu của người dân và các hộ gia đình.

Hơn nữa, lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời. Dự kiến, từ ngày 1/7 tới đây sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Điều này gây âu lo cho người lao động, bởi lương tăng, thu nhập tính thuế sẽ tăng. Việc không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương. Vì vậy, bà Thủy kiến nghị, Chính phủ sớm trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối tháng 10 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025, đúng như chỉ đạo của Chính phủ với phương châm "5 quyết tâm, 5 đẩy mạnh và 5 bảo đảm".

Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10

Làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về giảm trừ gia cảnh, thuế TNCN, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế này có hiệu lực từ năm 2009, khi đó, giảm trừ gia cảnh khoảng 4 triệu đồng/tháng, giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Khi sửa đổi luật này năm 2013, giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng/tháng, mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng, khi CPI biến động trên 20% thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để điều chỉnh. Đến năm 2020, Quốc hội đã có Nghị quyết điều chỉnh việc giảm trừ gia cảnh này. Hiện nay, với những người có người phụ thuộc, thu nhập từ 17 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế thu nhập. Người có hai người phụ thuộc thì có thu nhập hơn 22 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế thu nhập.

Lý giải vì sao đến nay chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN, Bộ trưởng Tài chính cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng. Như vậy, giảm trừ để nộp thuế là 11 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần. Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2020 là 3,23%; năm 2021 là 1,84%; năm 2022 là 3,15% và năm 2023 là 3,25% - chưa đạt trên 20% để thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Điều này có nghĩa, Bộ Tài chính hiện đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Tài chính, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, hiện nay UBTVQH đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào kỳ họp tháng 10 tới đây, thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026.

“Nếu UBTVQH quyết định làm ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026, thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp", Bộ trưởng nêu rõ.

Góp ý về mức sửa đổi, các chuyên gia cho rằng, cần nâng mức tính thuế cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng như hiện nay lên mức cao hơn, thậm chí 18 - 20 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (hiện là 4,4 triệu đồng/tháng) cũng cần được nâng lên 50 - 70%, tức khoảng 6 - 7,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế. Do vậy, trong lần sửa đổi này, cần bổ sung quy định các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ, như chi phí tiền học cho con, tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên, tiền chữa bệnh hiểm nghèo bảo hiểm không chi trả, tiền điện, tiền nước… phải được khấu trừ khi tính thuế TNCN. Đặc biệt, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ thực hiện khi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc. Không nên điều hành thuế theo lạm phát vì theo mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Người làm chính sách thuế cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo.