Chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, gắn kết xã hội

NDO -

 Sáng 25-11 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên điều phối của Liên minh Công bằng Thuế (VATJ), đã tổ chức Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2020 với chủ đề “Chính sách Tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội”. 

Chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, gắn kết xã hội

Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam là sự kiện được tổ chức hằng năm do Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) chủ trì.

Tại diễn đàn năm nay, các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp và giới truyền thông tập trung thảo luận về các vấn đề chính sách tài khóa, như: Sự công bằng thuế; thu-chi NSNN năm 2020; ảnh hưởng vay nợ Chính phủ đến phát triển kinh tế tư nhân và chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng tại các nước ASEAN…

Chỉ số công bằng Thuế (FTM) đã được thử nghiệm tại bốn quốc gia năm 2016 và chín nước (trong đó có Việt Nam) từ năm 2017, với các nhóm tiêu chí đánh giá: (1) Hệ thống thuế lũy tiến (2) Nguồn thu đủ (3) Các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp được quản trị tốt (4) Quản lý thuế hiệu quả (5) Chi tiêu công vì người nghèo (6) Trách nhiệm giải trình trong tài chính công

Theo tổng hợp số liệu từ  Bộ Tài chính, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, thường chiếm tỷ trọng hơn 70% đến hơn 80% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Tổng thu thuế trên GDP giảm dần từ mức 24% (2006-2008) xuống mức 18% (2014-2019). Tỷ trọng thuế gián thu đang tăng mạnh, và ngược lại, tỷ trọng thuế trực thu đang giảm nhanh.

Tốc độ tăng của tổng số thu thuế cũng đang có xu hướng giảm và ổn định ở mức bình quân 7,36%/năm trong giai đoạn 2012-2019. Tỷ lệ Thuế/GDP của Việt Nam thấp hơn so các nước OECD, nhưng tương đương các nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2014.

Tuy nhiên, trong cả giai đoạn 2006- 2019, thuế/GDP của Việt Nam cao hơn hẳn so các nước trong ASEAN 5. Từ năm 2012, thu ngân sách ngoài thuế đang có xu hướng tăng về tỷ trọng trong tổng thu ngân sách và tỷ lệ trên GDP. Bình quân giai đoạn 2006-2019, thu ngân sách ngoài thuế chiếm tỷ trọng 5,3% GDP.

Trong khi đó, thuế/GDP đã giảm từ mức khoảng 22,2% GDP (2006) xuống mức 17,9% GDP (2019). Phí, lệ phí và các nguồn thu thường xuyên khác không phải thuế đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguồn thu ngoài thuế. Tỷ trọng thu từ phí và lệ phí đang có xu hướng giảm dần theo thời gian. Tỷ trọng và số thu của khoản thu từ đất ngoài thuế tăng khá mạnh từ năm 2014. Năm 2019, tổng các khoản thu này chiếm 12,2% tổng thu ngân sách nhà nước và bằng 17,4% tổng thu thuế. Trong các khoản thu này, thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Năm 2018, số lượng tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nộp thuế là hơn 57 triệu người, tăng 10,2% so năm 2017. Tính đến 31-12-2018, cả nước có 714,8 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so cùng thời điểm năm 2017. Trong đó, 610,6 nghìn doanh nghiệp có doanh thu (chiếm 85,4%).

Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi năm 2018 là 44,1%, tương đương 269,3 nghìn doanh nghiệp. Dù tăng về số lượng doanh nghiệp và số lượng doanh nghiệp có doanh thu, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đã giảm liên tục trong giai đoạn 2016- 2018.

Tình trạng nợ thuế cũng diễn ra rất phổ biến. Báo cáo tổng hợp Kết quả kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến 31-12-2018, tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý là 86,68 nghìn tỷ đồng, tương đương 8% tổng thu NSNN năm 2018. Nợ thuế do ngành Hải quan quản lý là 6,72 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,14% số thu của ngành Hải quan năm 2017.

Số nhân viên ngành thuế giảm từ mức 45 nghìn người (2016) xuống còn 40 nghìn người (2019). Hết tháng 2-2020, toàn hệ thống thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục thuế. Số lượng chi cục ở cấp tỉnh, cấp huyện giảm từ 711 xuống 415 chi cục, giảm đến 2.100 đội thuế.

Nếu như năm 2015, để thu được 100 đồng tiền thuế, NSNN phải bỏ ra 2,8 đồng thì con số này năm 2018 chỉ còn 2,24 đồng. Tuy nhiên, chi phí thu thuế của Việt Nam vẫn cao hơn so các nước OECD (để thu được 100 đồng tiền thuế chỉ phải bỏ ra 1 đồng), Bangladesh (để thu được 100 đồng tiền thuế chỉ phải bỏ ra 1,35 đồng, năm 2013) (VATJ, 2018).

Trước năm 2015, chi ngân sách của Việt Nam tương đối ổn định. Bình quân giai đoạn 2006-2014, chi ngân sách chiếm khoảng 29% GDP. Giai đoạn 2015-2019, chi ngân sách của Việt Nam so GDP giảm liên tục, từ 30% GDP năm 2015 xuống chỉ còn 25,9% GDP năm 2018.

Số liệu ước tính năm 2019 cho thấy, chi ngân sách so GDP đã tăng trở lại, ước đạt 28,9% GDP. Chi cho giáo dục đang tăng nhanh về số chi và ổn định về tỷ trọng. Từ năm 2016-2019, chi cho giáo dục chiếm khoảng 22% tổng thu thuế, khoảng 23,2% chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, khoảng 16% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 4% GDP.

Việt Nam có nhiều chính sách chi tiêu để nhóm người yếu thế tiếp cận với giáo dục: miễn giảm học phí, hỗ trợ lương thực.  Khi phân bổ ngân sách cho giáo dục, định mức dành cho các tỉnh miền núi, miền cao và hải đảo có hệ số cao hơn các tỉnh vùng đồng bằng. Miễn học phí cho tất cả học sinh tiểu học trên cả nước.

Theo World Economic Forum (2020), Chỉ số cạnh tranh toàn cầu về Y tế, 2017-2020, dù tăng về số chi tuyệt đối trong giai đoạn 2016-2018 nhưng tỷ trọng của chi thường xuyên cho y tế so GDP giảm liên tục kể từ năm 2013 đến năm 2018. Năm 2013, chi thường xuyên cho y tế chiếm gần 1,3% GDP thì tới năm 2018 chỉ còn chiếm 0,98% GDP. Tỷ lệ % chi thường xuyên cho y tế so tổng thu NSNN cũng giảm liên tục kể từ năm 2014 trở lại đây, từ 5,7% năm 2014 xuống chỉ còn 3,8% năm 2018 (điểm cao nhất là 7).

Theo WB (2017), chi NSNN cho nông nghiệp chiếm dưới 2% GDP, và dưới 10% tổng thu thuế và dưới 8% tổng thu ngân sách nhà nước.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của thế giới năm 2020 giảm 4,4%, trong khi Việt Nam là một trong ít quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tăng trưởng GDP dương 1,6%. Song với việc giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 7,02% xuống khoảng 1,6% sẽ làm giảm thu NSNN so năm trước khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí do dịch Covid-19 và ảnh hưởng của dự toán lập cao, Bộ Tài chính dự kiến năm 2020, NSNN sẽ hụt thu khoảng 189,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,5% so dự toán và 14,7% so thực hiện năm 2019.

Đại dịch Covid-19 có tác động đa chiều tới chi NSNN. Một mặt, dịch bệnh Covid-19 đã góp phần làm giảm chi tiêu NSNN đối với các hoạt động đối ngoại, chi đoàn ra, chi phí hội, họp… Mặt khác, đại dịch Covid-19 cũng làm tăng lên các chi phí phòng, chống dịch bệnh và triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định kinh tế - xã hội, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch trên diện rộng

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đưa ra các khuyến nghị chính sách Việt Nam cần có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn trong bối cảnh thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp; đẩy nhanh tiến độ dự án Thuế tài sản, đưa vào chương trình làm Luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Cần có những thay đổi trong tỷ lệ, số lượng thu nhập hoặc đối tượng phải nộp thuế liên quan từng khung để tính thuế suất thuế TNCN, thay vì chỉ đề cập đến thu nhập tối thiểu không phải nộp thuế hay nâng mức giảm trừ gia cảnh. Rà soát lại chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Cần tính toán và công khai thông tin về chi qua thuế thông qua hình thức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cơ cấu lại các khoản chi ngân sách để giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách. Chi ngân sách cho y tế cần được tăng thêm nhưng cần chú ý phối hợp chính sách bảo hiểm y tế và nâng cao tính hiệu quả của sự phối hợp này. Các số liệu về chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực y tế, giáo dục cần được công khai trong các báo cáo ngân sách.

Tăng cường công khai, minh bạch số liệu về chi cho nông nghiệp (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) trong các báo cáo ngân sách. Việt Nam cần công khai các khoản thu của các quỹ ngoài ngân sách cho người dân được biết.  Chính phủ cũng cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu và chi ngân sách ở mọi cấp chính quyền. Lấy việc công khai làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức và cá nhân phụ trách.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế đối với thu thuế, phí, lệ phí; cân nhắc thận trọng trong việc tăng thu từ các nguồn bán tài sản, quyền tài sản với việc chấp nhận tăng bội chi NSNN và tăng nợ công trong ngắn hạn.

Trước mắt, trong năm 2020, Chính phủ nên chọn lựa giải pháp tăng trần nợ công từ 4,99% GDP như hiện nay lên tối đa 5,59% GDP để giảm áp lực thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp 38,5 nghìn tỷ đồng.

 Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu bộ, cơ quan T.Ư và địa phương trong xây dựng dự toán và giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng dự toán để tiết kiệm nguồn lực NSNN.

Thường xuyên cập nhật tình hình giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu và vay nợ Chính phủ (nếu có) phù hợp, bảo đảm các nguồn vốn huy động không bị tồn đọng, lãng phí trong trường hợp nguồn vốn đầu tư phát triển phải chuyển nguồn qua nhiều năm.

Tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên theo lộ trình và giải pháp đã đề ra. Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gián tiếp thông qua việc trợ giá các mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý như giá điện, giá xăng dầu…

Tăng các khoản chi hỗ trợ, nâng cao tiềm lực nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Quản lý chặt chẽ các nội dung chi hỗ trợ, chi an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm các nội dung chi đúng đối tương, đúng mục tiêu đã đặt ra…