Chính sách nào cho chuyển đổi nguyên liệu gỗ rủi ro?

Hỗ trợ các làng nghề liên kết với các doanh nghiệp và chuyển đổi từ nguồn nguyên liệu gỗ rủi ro sang các nguồn nguyên liệu nhập khẩu hợp pháp phù hợp quy định pháp luật và cam kết quốc tế đang là bài toán đặt ra cho các cơ quan có trách nhiệm hiện nay…
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh).
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh).

Cả nước hiện có hơn 300 làng nghề gỗ. Gần đây, thiếu hụt nguồn cung ứng nguyên liệu gỗ đã gây khó khăn lớn cho các làng nghề, trong đó không ít nơi phải sản xuất cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động.

Liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề

Trước đây, dựa vào nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ quý trong nước và nhập khẩu từ một số nước, các làng nghề gỗ truyền thống đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng nội địa với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nội thất có giá trị kinh tế. Vài năm trở lại đây, do không được khai thác gỗ rừng tự nhiên, nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ một số nước bị hạn chế và có nguy cơ rủi ro cao về mặt pháp lý, cùng với tình hình dịch bệnh đã đẩy các làng nghề lâm vào cảnh khó khăn.

Tìm hướng đi mới, phù hợp đã được nhiều làng nghề áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, trong đó liên kết với các doanh nghiệp đang trở thành mô hình quan trọng, vừa nâng cao năng lực sản xuất, vừa giúp tham gia sâu vào chuỗi sản xuất-tiêu thụ bền vững, ổn định sản phẩm cho các làng nghề. Mô hình liên kết giữa Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) và các làng nghề đang là một điểm sáng về hướng đi mới này.

TAVICO và làng mộc truyền thống Liên Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã ký hợp tác liên kết từ năm 2021 thông qua việc quảng bá sản phẩm, liên kết cung cấp gỗ nguyên liệu, đặt hàng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngay sau khi ký kết hợp tác, TAVICO đã tạo điều kiện để làng nghề mộc Liên Hà khai trương showroom giới thiệu sản phẩm của làng nghề tại siêu thị của công ty.

Việc mở showroom này không chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu các sản phẩm gỗ làng nghề truyền thống Liên Hà tại khu vực phía nam mà còn là dấu mốc quan trọng về sự liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề, tạo cơ hội cùng nhau phát triển bền vững.

Trước đây, các làng nghề thường bị động về tiếp thị, giới thiệu sản phẩm và liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nay nhờ có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp đã kết nối với người tiêu dùng, giúp họ biết đến nhiều hơn các sản phẩm nghề mộc truyền thống của các địa phương.

Tổng Giám đốc TAVICO Võ Quang Hà khẳng định, nhờ các mối liên kết, doanh nghiệp mong muốn không chỉ sản phẩm nghề mộc Liên Hà mà tất cả sản phẩm làng nghề của Việt Nam khi sản xuất ra có thể đưa tới tay người tiêu dùng cả nước.

Hiện tại, các tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp, chính quyền nhiều địa phương đã quan tâm hơn đến việc liên kết nhằm tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và làng nghề, thúc đẩy quảng bá sản phẩm, hỗ trợ cùng phát triển. Nhằm mục đích kết nối, liên kết giữa các làng nghề mộc các tỉnh phía bắc với các doanh nghiệp tại Đồng Nai, Viện Lâm nghiệp châu Âu phối hợp Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã tổ chức đoàn tham quan, trao đổi và học tập kinh nghiệm cho các đơn vị, hộ gia đình sản xuất tại hai làng nghề mộc Liên Hà (Đan Phượng) và làng nghề gỗ Vạn Điểm của Hà Nội tại các hội chợ đầu mối nguyên liệu và sản phẩm gỗ tại khu vực các tỉnh, thành phố phía nam.

Chuyển đổi để phát triển

Hiện nay, ngành gỗ của Việt Nam có một hợp phần rất quan trọng, đó là thị trường nội địa với quy mô lớn. Nhưng, hợp phần này chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của cả cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ. Việc này đã và đang tác động tiêu cực đến ngành gỗ cũng như trong hoạt động xuất khẩu.

Việt Nam có hàng trăm làng nghề gỗ với hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề vẫn tự phát, thiếu sự kết nối giữa làng nghề và các công ty ngành gỗ. Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ việc loại bỏ gỗ rủi ro ra khỏi chuỗi cung, bao gồm cả trong hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường trong nước. Việc này đòi hỏi các hộ sản xuất tại các làng nghề cũng cần chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu ít rủi ro. Do đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc tìm kiếm nguồn cung gỗ nguyên liệu thay thế cũng như mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm gỗ.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm (Hà Nội) Đặng Thị Én, các hộ sản xuất tại các làng nghề hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là về nguồn nguyên liệu gỗ rủi ro đầu vào.

Nhiều làng nghề hiện đang sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào là gỗ tự nhiên quý như lim, hương, gõ đỏ, mun... được nhập khẩu từ các nước khu vực châu Phi, Lào và Campuchia. Lượng gỗ này mỗi năm lên tới hàng triệu mét khối. Đây là các loại gỗ được coi là có rủi ro cao về tính pháp lý theo tiêu chí quy định tại Nghị định 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Nếu không có nguồn nguyên liệu đầu vào hợp pháp thay thế, việc vẫn tiếp tục sử dụng nguồn cung gỗ rủi ro này sẽ tiềm tàng một số bất ổn trong tương lai, như nguồn gỗ ngày càng hiếm, các chính sách quản lý khai thác, chế biến và thương mại ngày càng chặt chẽ. Trong tương lai, nguồn cung này thậm chí sẽ không còn nữa. Điều này sẽ gây ra tác động rất lớn tới sinh kế của hàng trăm nghìn hộ làng nghề.

Mới đây, ngày 16/2/2023, Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Hội Làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm, Hội Làng nghề mộc Liên Hà, Hội Làng nghề mộc Thụy Lân đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ các làng nghề chuyển đổi nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào.

Theo đó, các làng nghề đề nghị các bộ, ngành hữu quan hỗ trợ để chuyển đổi nguyên liệu đầu vào hợp pháp, đồng thời có cơ chế khuyến khích liên kết giữa các làng nghề và doanh nghiệp. Để việc chuyển đổi thành công, các làng nghề đề nghị được hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề, nhất là mảng thiết kế, marketing; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu làng nghề; phổ cập thông tin, kiến thức về quy định gỗ hợp pháp và xu hướng thị trường tới các hộ làng nghề; thực hiện truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng để giảm dần việc sử dụng gỗ tự nhiên...

Thông qua đó, phối hợp chính quyền địa phương tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cần thiết giúp các làng nghề tham gia vào các mô hình liên kết với các doanh nghiệp, tiếp cận với các nguồn lực để thúc đẩy việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào nhằm phát triển ổn định và bền vững các sản phẩm gỗ truyền thống…