Tại An Giang, dân tộc Khmer chiếm 3,98%; dân tộc Chăm chiếm 0,59%; dân tộc Hoa có 5.233 người, chiếm 0,27% và 25 dân tộc thiểu số khác sinh sống đan xen trên địa bàn chiếm tỷ lệ 0,01%.
Đồng bào dân tộc sống tập trung ở 7 ấp thuộc 7 xã biên giới, trong đó, dân tộc Khmer ở 4 ấp của xã Nhơn Hưng, An Phú, An Nông và phường Tịnh Biên (thị xã Tịnh Biên); dân tộc Chăm ở 3 ấp thuộc 3 xã Quốc Thái, Khánh Bình, Nhơn Hội (huyện An Phú); dân tộc Hoa chủ yếu sinh sống ở khu vực trung tâm các xã, phường, thị trấn biên giới.
An Giang có chiều dài gần 100km đường biên giới, thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và phát triển mạnh khu vực thương mại, dịch vụ. Quan hệ mua bán biên mậu qua các cửa khẩu biên giới ngày càng phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và các huyện biên giới nói riêng.
Đối với Vương quốc Campuchia đã hình thành các tuyến hành lang kinh tế liên quan đến các cửa khẩu Vĩnh Xương, Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, tạo thành một khu kinh tế biên giới phát triển, khép kín.
Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, từng bước hoàn thiện về giao thông và mạng lưới các chợ, trung tâm thương mại góp phần đẩy mạnh việc trao đổi, mua bán hàng hóa, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người dân, thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch, giải quyết việc làm cho người dân. Việc xác định danh mục đầu tư và khi công trình hoàn thành đều đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tác động tích cực đến việc nâng cao đời sống người dân xã biên giới.
Các cửa khẩu biên giới được Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trước mắt tập trung cho cửa khẩu Tịnh Biên, Vĩnh Xương. Tình hình an ninh, chính trị, biên giới ổn định, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam-Campuchia ngày càng được củng cố, phát triển. Việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh đã tạo sự gắn kết, đồng thuận cao giữa địa phương và người dân; khuyến khích phát huy nguồn lực đối ứng của người dân trong quá trình thực hiện các mô hình giảm nghèo, tạo động lực cho các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân, ngày càng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Từ năm 2016-2022, Trung ương thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng các xã vùng biên giới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh An Giang. Trung ương đã phân bổ kế hoạch vốn ngân sách 106 tỷ đồng, tỉnh đã bố trí cho các địa phương thực hiện Chương trình với tổng số dự án hoàn thành trong giai đoạn là trên 130 dự án tập trung phát triển, hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hỗ trợ thiết bị máy móc cho đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Tri Tôn. |
Ngoài ra, chính sách Trung ương còn hỗ trợ phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế. Từ đó, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 12 mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ 75 con bò giống, 76 con heo giống, lươn giống và máy móc, thiết bị sản xuất cho 113 hộ nghèo và cận nghèo…
Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc như triển khai đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn giai đoạn 2016-2020.
Sau 5 năm thực hiện đã có 581 cầu/481 cầu được thực hiện hoàn thành, đạt tỷ lệ 120,7% kế hoạch đề ra. Cụ thể, Châu Đốc có 16 cầu/14 cầu, Tân Châu có 36 cầu/36 cầu, An Phú có 26 cầu/26 cầu, Thoại Sơn có 79 cầu/64 cầu, Tri Tôn có 74 cầu/74 cầu, Tịnh Biên có 19 cầu/17 cầu.
Đề án đã huy động được nguồn lực với tổng vốn đầu tư là 806 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội là 585 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 72,56%), người dân đóng góp 117.164 ngày công và 1.523m2 đất để làm cầu.
Sau 2 năm thực hiện, giai đoạn 2021-2025, Đề án Cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 102/79 cầu, đạt tỷ lệ 129,1% kế hoạch đề ra.
Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh (dự án LRAMP) tại 3 huyện An Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn và 2 thị xã Tịnh Biên, Tân Châu đã có 40/43 cầu được hoàn thành góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt là trong vùng mưa lũ.
Nghề dệt thổ cẩm ở làng Chăm, thị xã Tân Châu. |
Chính sách khuyến công theo quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm Chăm xã Châu Phong và lụa Tân Châu giai đoạn 2018-2020 với các nội dung: Tổ chức tập huấn kỹ năng may công nghiệp trên địa bàn xã Châu Phong; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, quảng bá sản phẩm như lạp xưởng bò Anas tham gia đề án OCOP-AG, sản phẩm dệt thổ cẩm của cơ sở Mohamad xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và các sản phẩm thêu của Công ty TNHH MTV Xã hội AgiCham Kim Chi; hỗ trợ tư vấn marketing, thiết kế sản phẩm cho các cơ sở dệt thổ cẩm Chăm, tơ lụa Tân Châu với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2018-2020 là 164 triệu đồng.
Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ cho đồng bào dân tộc Khmer, Chăm đã hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất của các hộ kinh doanh thuộc đối tượng là người dân tộc.
Kết quả đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 2 hộ kinh doanh đầu tư máy móc thiết bị trong ngành sản xuất lạp xưởng bò và ngành may dệt thổ cẩm với tổng kinh phí hỗ trợ là 159 triệu đồng; hỗ trợ Công ty cổ phần Palmania đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong quy trình sản xuất đường thốt nốt (huyện Tri Tôn) hơn 139 triệu đồng…