Ngày 31/7, đảng Dân chủ và Xã hội Niger (PNDS) cho biết chính quyền quân sự Niger đã bắt giữ bốn bộ trưởng, một cựu bộ trưởng và lãnh đạo đảng PNDS của Tổng thống Mohamed Bazoum - người vừa mới bị quân đội phế truất vào tuần trước.
Trong thông báo, đảng PNDS nêu rõ, sau khi Tổng thống Bazoum bị bắt giữ vào tuần trước, quân đội đã tiến hành thêm các vụ bắt giữ vào sáng 31/7, trong đó, có Bộ trưởng Dầu mỏ Mahamane Sani Mahamadou, Bộ trưởng Khai mỏ Ousseini Hadizatou, người đứng đầu Ủy ban Điều hành Quốc gia của PNDS Fourmakoye Gado.
Trước đó, quân đội đã bắt giữ Bộ trưởng Nội vụ Hama Amadou Souley, Bộ trưởng Giao thông Oumarou Malam Alma, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kalla Moutari.
Liên minh châu Âu ngừng hợp tác an ninh, hỗ trợ tài chính cho Niger
Đảng PNDS đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các nhân vật trên. Trong khi đó, nguồn tin thân cận với Văn phòng Tổng thống Niger khẳng định, Bộ trưởng Giáo dục Hướng nghiệp Kassoum Moctar cũng đã bị bắt giữ.
Các vụ bắt giữ trên diễn ra cùng lúc với tuyên bố của chính quyền quân sự Niger, trong đó yêu cầu toàn bộ các bộ trưởng và người đứng đầu các cơ quan giao nộp xe công vụ.
Trong diễn biến khác, các nguồn thạo tin cho hay ngân hàng trung ương khu vực đã hủy kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 30 tỷ CFA (51 triệu USD) của Niger tại thị trường nợ khu vực Tây Phi trong ngày 31/7, sau các lệnh trừng phạt liên quan vụ đảo chính.
Các lệnh trừng phạt này bao gồm đình chỉ các giao dịch tài chính và đóng băng tài sản quốc gia.
Theo kế hoạch, Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và phụ thuộc nhiều vào viện trợ và tài chính bên ngoài, sẽ phát hành các trái phiếu khác tại thị trường khu vực vào các ngày 7 và 17/8 tới.
Ngày 26/7 vừa qua, các binh sĩ ở Niger đã lật đổ Tổng thống Bazoum và giam giữ ông trong Dinh Tổng thống, đồng thời đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc.
Ngày 28/7, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Cận vệ của Tổng thống từ năm 2011, đã tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi trong giai đoạn chuyển tiếp và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, nước này đang liên lạc với những người đồng cấp tại Niger nhằm xem xét các phương án, bao gồm cả việc rút quân khỏi Niger và Mali.
Trong trường hợp Đức rút quân khỏi Niger, Bộ trưởng Pistorius khẳng định, chính quyền quân sự quốc gia châu Phi này đã cam kết tuân thủ các thỏa thuận quốc tế.