Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lên án cuộc đảo chính ở Niger

NDO - Hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia ngày 29/7 đưa tin, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Niger Bazoum.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh thủ đô Niamey của Niger, ngày 28/7/2023. (Ảnh: Reuters)
Toàn cảnh thủ đô Niamey của Niger, ngày 28/7/2023. (Ảnh: Reuters)

Hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia ngày 29/7 đưa tin, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Niger Bazoum.

Tuyên bố của OIC cho biết, Tổng Thư ký Hissein Brahim Taha đang theo dõi sát sao những diễn biến ở Niger - một quốc gia thành viên của OIC.

Tổng Thư ký OIC lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm giành chính quyền bằng vũ lực và yêu cầu lập tức trả tự do cho Tổng thống Bazoum cũng như khôi phục luật pháp ở Niger.

Ông Taha cũng bày tỏ tình đoàn kết với người dân Niger và sự ủng hộ hoàn toàn của OIC đối với các nỗ lực của khu vực nhằm khôi phục hòa bình, an ninh và ổn định cho quốc gia Tây Phi này cũng như cho toàn bộ vùng Sahel.

EU và Pháp ngừng hỗ trợ tài chính

Liên minh châu Âu (EU) và Pháp đã ngừng hỗ trợ tài chính cho Niger. Cũng có khả năng Mỹ sẽ có động thái tương tự.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell ra tuyên bố nêu rõ: “Bên cạnh việc ngừng ngay lập tức viện trợ tài chính, mọi hợp tác trong lĩnh vực an ninh sẽ lập tức dừng lại vô thời hạn”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo, Paris đã lập tức ngừng mọi viện trợ phát triển và hỗ trợ ngân sách cho Niger, đồng thời yêu cầu nước này quay trở lại trật tự Hiến pháp và Tổng thống Mohamed Bazoum phải nắm quyền trở lại.

Năm 2022, khoản viện trợ phát triển Pháp dành cho Niger là khoảng 130 triệu USD.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Niger nhận khoản viện trợ phát triển chính thức lên tới gần 2 tỷ USD mỗi năm.

Niger cũng là đối tác an ninh của Pháp và Mỹ. Hai quốc gia này sử dụng Niger làm căn cứ để chống lại lực lượng nổi dậy tại vùng Sahel.

Đến nay, các đồng minh nước ngoài của Niger đều không công nhận chính quyền mới tại Niger do Tướng Abdourahamane Tiani đứng đầu.

EU, Pháp và nhiều quốc gia khác khẳng định vẫn coi ông Bazoum là Tổng thống hợp pháp của Niger. Kể từ sáng 27/7, khi Tổng thống Bazoum được xác nhận là đang bị giam giữ trong Dinh Tổng thống, chưa có thông tin thêm về tình hình của ông.

Quan ngại về tình hình tại Niger, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh Tiền tệ Tây Phi (WAMU) sẽ họp khẩn tại Nigeria trong ngày 30/7 để thảo luận về tình hình tại quốc gia Tây Phi này. Hội nghị này có thể đưa ra lệnh trừng phạt mới về kinh tế và tài chính đối với Niger.

Trước đó, sau cuộc họp khẩn diễn ra ngày 28/7, Liên minh châu Phi (AU) ra tuyên bố yêu cầu binh sĩ ở Niger “trở lại doanh trại và khôi phục trật tự Hiến pháp” trong vòng 15 ngày.