Anh kêu gọi khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger​

Ngày 30/7, Chính phủ Anh đã ra tuyên bố lên án các hành động phá hoại hòa bình và ổn định đang diễn ra tại Niger sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống nước này Mohamed Bazoum.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tài chính toàn cầu mới, diễn ra ở Paris, ngày 22/6/2023. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tài chính toàn cầu mới, diễn ra ở Paris, ngày 22/6/2023. (Ảnh: Reuters)

Tuyên bố của Chính phủ Anh kêu gọi lực lượng đảo chính ở Niger trả tự do cho Tổng thống Bazoum và ngay lập tức khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia Tây Phi.

Chính phủ Anh đồng thời khẳng định luôn sát cánh với Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) trong nỗ lực khôi phục sự ổn định tại Niger.

Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin từ văn phòng Tổng thống Nigeria cho biết Tổng thống Cộng hòa Chad Mahamat Idriss Deby đã trao đổi với các nhà lãnh đạo quân sự tiến hành vụ đảo chính ở Niger và sau đó thông báo lại các nội dung trao đổi cho Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, Chủ tịch ECOWAS. Hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ và trao đổi về tình hình của Niger tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của ECOWAS diễn ra ở thủ đô Abuja (Nigeria).

Hôm 26/7 vừa qua, các binh sĩ ở Niger đã lật đổ Tổng thống Bazoum và giam giữ ông trong Dinh Tổng thống, đồng thời đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc.

Ngày 28/7, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Cận vệ của Tổng thống từ năm 2011, đã tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi trong giai đoạn chuyển tiếp và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

Các quốc gia trên thế giới như Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu đã lên án vụ đảo chính, đồng thời liên tục kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Bazoum.

ECOWAS hôm 30/7 cũng đã ra “tối hậu thư” cho chính quyền quân sự Niger nhằm kêu gọi từ bỏ quyền lực trong vòng 1 tuần, nếu không sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, có thể bao gồm cả vũ lực, để khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia này.