Chính quyền Istanbul đánh giá mức độ an toàn của các tòa nhà

Là trung tâm tài chính và văn hóa với hơn 16 triệu cư dân, thành phố Istanbul có vị trí địa lý ở đầu phía tây của Đường đứt gãy Bắc Anatolian, nơi đã xảy ra nhiều trận động đất lớn trong lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều tòa nhà bị sập trong trận động đất ở Samandag, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhiều tòa nhà bị sập trong trận động đất ở Samandag, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền Istanbul đang tiến hành đánh giá mức độ an toàn của các tòa nhà, trong bối cảnh người dân tại thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng về nơi cư trú sau thảm họa động đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hơn 44.000 người ở nước này.

Là trung tâm tài chính và văn hóa với hơn 16 triệu cư dân, thành phố Istanbul có vị trí địa lý ở đầu phía tây của Đường đứt gãy Bắc Anatolian, nơi đã xảy ra nhiều trận động đất lớn trong lịch sử thế giới.

Công tác kiểm tra tại Istanbul - bao gồm đo độ đặc của bêtông và đếm số lượng cốt thép bằng phương pháp quét tia X - sẽ đánh giá độ vững chắc của nền đất, qua đó xác định mức độ an toàn của hơn 1,16 triệu tòa nhà tại thành phố này.

Việc đánh giá sẽ ưu tiên thực hiện đối với các công trình xây dựng từ trước năm 2000, với tiến độ 150 tòa nhà/ngày.

Theo ông Ozlem Tut, Giám đốc Cơ quan quản lý rủi ro động đất và cải thiện đô thị của thành phố Istanbul, cơ quan này đã nhận được 85.000 đơn đăng ký đánh giá của chủ các tòa nhà tại đây, sau thảm họa động đất sáng 6/2 vừa qua. Ông khẳng định: "mọi đơn đăng ký sẽ được đáp ứng".

Tùy theo tình trạng của các công trình, nhà chức trách sẽ quyết định cải tạo hoặc xây mới.

Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu kêu gọi người dân hợp tác với nhà chức trách trong vấn đề này.

Theo kết quả đánh giá năm 2021, gần 50% tòa nhà tại Istanbul không đáp ứng tiêu chuẩn chống động đất.

Trong khi đó, tại Syria, ít nhất 2 người đã tử vong do dịch tả bùng phát tại khu vực hiện do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở Tây Bắc nước này gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trận động đất ngày 6/2 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người tại khu vực nói trên của Syria, làm hư hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng và nguồn nước, dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh tả.

Một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuần trước cảnh báo dịch tả đang diễn biến tồi tệ hơn do tình trạng khan hiếm nước sạch nghiêm trọng trên toàn quốc tại Syria, trong bối cảnh mùa mưa ở nước này đã khô nóng "bất thường".