Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu dọn dẹp đống đổ nát

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, gần 13.000 máy xúc, cần cẩu, xe tải và các phương tiện hỗ trợ khác đã được triển khai đến các khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường đổ nát sau động đất ở Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường đổ nát sau động đất ở Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hai tuần sau thảm họa động đất khiến hơn 46.000 người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho đến nay, ngày 20/2, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đẩy nhanh công tác dọn dẹp sau khi công tác tìm kiếm đã kết thúc tại hầu hết các tỉnh.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, gần 13.000 máy xúc, cần cẩu, xe tải và các phương tiện hỗ trợ khác đã được triển khai đến các khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất.

Theo AFAD, số nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ đến nay là 41.020 người, dự kiến sẽ còn tăng vì có khoảng 385.000 căn hộ bị phá hủy và hư hại nghiêm trọng, trong khi nhiều người vẫn mất tích.

Những người sống sót cũng đang trải qua khủng hoảng về thực phẩm và nơi tạm trú. Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết, trong số những người sống sót sau trận động đất ngày 6/2, có khoảng 356.000 phụ nữ mang thai tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần tiếp cận khẩn cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản, trong đó 38.800 phụ nữ dự kiến sẽ sinh con trong tháng tới.

Những phụ nữ mang thai này đang đối mặt nhiều nguy cơ do phải tạm trú tại các lều tị nạn trong thời tiết giá lạnh, trong khi không được bảo đảm về lương thực và nước sạch.

Tại Syria, 14 xe tải chở 1.269 lều và vật dụng sử dụng trong mùa đông của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã đến Syria qua cửa khẩu Al-Hammam vào ngày 19/2.

Nhờ nỗ lực thúc đẩy của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), 1 trong số 14 xe tải chở hàng viện trợ của MSF đã đến khu vực tây bắc Syria, nơi còn chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt từ năm 2011 đối với chính phủ nước này.

Ngày 19/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Thổ Nhĩ Kỳ cam kết, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất và tái thiết đất nước, nhấn mạnh đây là "nỗ lực lâu dài".

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ đã đến căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ và thảo luận cách thức Washington có thể tăng hỗ trợ.

Ông Blinken nêu rõ với mức độ thiệt hại do thảm họa động đất gây ra, Thổ Nhĩ Kỳ cần nỗ lực lớn để tái thiết và Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực này.