Năm nay, tôi lại đi Hà Giang vào những ngày cuối năm. Hành trình này của chúng tôi khám phá một Hà Giang rất khác, với ngôi làng cổ nằm giữa rừng già Vần Chải hoang vu, hẻo lánh, “ẩn mình trong mây” của đồng bào H’Mông mang tên Sảo Há.
Nếu là một người quan tâm đến mạng xã hội, có lẽ bạn đã có thể nghe về Sảo Há, ngôi làng nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng thời gian qua. Đây là bối cảnh chính trong bộ phim kinh dị “Tết Ở Làng Địa Ngục” và “Kẻ ăn hồn” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên do tác giả trẻ tuổi Thảo Trang chắp bút.
Chinh phục “làng địa ngục” trong mây, cung đường cho người can đảm
Hà Giang được biết đến là tỉnh thành có nhiều ngôi làng “cô độc” giữa đại ngàn với núi đá bao quanh. Sảo Há cũng là một trong những thôn làng ẩn mình giữa cao nguyên đá như vậy.
Để đến được địa phận của Sảo Há là một chặng đường rất dài.
Sảo Há là một ngôi làng nhỏ của người Mông nằm trên núi đá cao, lọt thỏm giữa đại ngàn thăm thẳm thuộc thôn Khó Chơ, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Với địa thế nằm trên độ cao khoảng 2000m so với mực nước biển, theo tiếng H'Mông, Sảo Há có nghĩa là "thung lũng trên cao".
Quả thật, vị trí của ngôi làng này thật dễ khiến cho người ta liên tưởng đến một nơi biệt lập, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.
Từ Hà Nội, trải qua gần 6 tiếng đồng hồ lắc lư trên xe khách, chúng tôi đến thành phố Hà Giang khi trời chưa sáng hẳn. Cả thành phố còn im lìm trong bóng tối, tiết trời se se lạnh.
Khi trời vừa hửng sáng cũng là lúc chúng tôi lại tiếp tục lên đường với 4 tiếng ngồi xe khách để đến thị trấn Yên Minh.
Đi Hà Giang đã vài lần, nhưng đây là lần đầu tôi lang thang khắp nẻo, hỏi biết bao nhiêu người để tìm được đến với Sảo Há.
Không giống như Lô Lô Chải hay làng cổ Thiên Hương, làng Sảo Há chưa được định vị chính xác trên Google Maps, bởi vậy du khách muốn tới đây có thể tìm kiếm qua từ khóa "Khó Chơ".
Từ huyện Yên Minh, đường đi đến ngôi làng Sảo Há phải vượt hết một con đèo trên tuyến đường mang tên “Hạnh Phúc” dài gần 17km với những khúc cua “tay áo”, dốc dài len lỏi quanh núi.
Đến chân dốc Thẩm Mã tôi lại theo chỉ dẫn tìm về xã Vần Chải, là nơi mà làng Sảo Há tọa lạc rồi tiếp tục hỏi đường. Bức ảnh mờ nhòe chụp lại lối mòn đưa đến ngôi làng cổ được người dân quanh xã nhận ra ngay lập tức.
Từ cổng chào của xã đến đường vào làng chỉ mất 4km nhưng không phải chỉ một đoạn đường bình thường.
Đó là một con đường mòn với đất đá lởm chởm, đồi dốc ngược đầy thách thức. Vậy nên du khách muốn tới làng Sảo Há chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ. Người đi xe hai tay căng cứng giữ tay lái. Hai chân luôn phải gá xuống mặt đường để giữ thăng bằng.
Đi một đã khó, nữa là còn kèm một đằng sau!
Ngôi làng “3 không” biệt lập trên núi
Điểm đặc biệt của Sảo Há này, người ta truyền tai nhau, là nơi không có dấu của sự hiện đại như điện, nước, hay sóng điện thoại; là nơi mà người H'Mông trốn thế giới vì không gian riêng biệt và thưa thớt người ghé qua.
Để tiến sâu vào làng, chúng tôi phải đi qua rừng cổ với hai cổng đá sừng sững nơi đặt miếu thờ thần rừng.
Cả đoạn đường không quá dài nhưng khung cảnh xung quanh có chút… rợn người.
Mọi thứ bao bọc ngôi làng từ đường đi, cảnh vật quả thực như bước ra từ trong trang sách: “Để đến được ngôi làng này người ta phải đi 5 vạn bước chân, trèo 50 dốc núi. Con đường mòn từ rừng đi đến gần ngôi làng dài gần 5km. Càng vào sâu lối đi càng hẹp. Đi sâu vào rừng là đường lên núi, dốc núi dựng đứng cứ khoảng vài trăm mét lại đến một con dốc. Ven đường đầy rẫy những cái cây cao vút, thân cây to đến nỗi người lớn ôm không xuể”.
Ngôi làng nép dưới những bóng cây đại ngàn như muốn nuốt chửng người khách lạ. Một nơi heo hút, sương mù giăng lối, khí trời lạnh lẽo như vậy cũng vô cùng phù hợp để vẽ nên một ngôi làng “địa ngục" như trong phim.
Là nơi ẩn dật của hậu duệ của một băng cướp khét tiếng, do tội ác của ông cha ngày trước mà dân làng thường xuyên gặp phải những chuyện kỳ dị.
Đặc biệt hơn Sảo Há còn có lịch sử đầy ly kỳ, kể về lịch sử ngôi làng. Anh Sùng Mí Lúa, người dân tộc H’Mông cho biết, khoảng những năm 1957-1958, có một nhóm thổ phỉ rất dữ tợn.
Sau nhiều cuộc nổi loạn và thất bại, thủ lĩnh nhóm thổ phỉ Vàng Vạn Ly đưa các con trốn vào hang núi trên đỉnh núi này.
Sau khi được chiêu hàng, Vàng Vạn Ly đưa anh em họ hàng, con cháu định cư ở đây, có lẽ là muốn xa lánh phần thế giới còn lại dưới chân núi.
Có một sự thật cũng bất ngờ không kém là nhóm người H’Mông ở đây đều mang chung dòng họ Vàng.
“Làng địa ngục” trong mây, quả là có thật!
Xuất hiện trên phim là thế, song thật sự Sảo Há lại là ngôi làng rất đỗi bình yên, khi những rặng hoa lê, hoa đào dần bung nở, xua đi vẻ lạnh lẽo, trầm mặc của ngôi làng.
Đi bộ trên con đường giữa bản, cảm giác như những ồn ào, náo nhiệt của xã hội chưa từng vương tới đây, dù đã qua cả trăm năm.
Làng Sảo Há chỉ có độ hơn 20 nóc nhà lấp ló, bên ngoài là hàng rào đá cao tận 1,5m. Những viên đá xếp chặt, không một chút chất kết dính, vẫn vững chắc trăm mùa mưa nắng.
Lâu lâu trên đường, chúng tôi lại bắt gặp một vài vóc dáng nhỏ nhắn trong vạt váy đen - đỏ thổ cẩm, bước chầm chậm, gánh gùi cỏ, gùi củi sau lưng hay khoan thai hai su su trĩu nặng.
Mỗi khi nắng lên, những nếp nhà trình tường lợp mái âm dương óng ánh. Khói bếp cứ thế cuốn nhau trải dài hết những ngóc ngách.
Sảo Há bây giờ cũng đã bớt "im lìm". Ngôi làng như trở thành ngôi sao mới nổi trên miền đá nở hoa.
Chỉ riêng ngày hôm ấy thôi chốc chốc tôi lại thấy có khách men theo cung đường tiến vào làng Sảo Há, cũng có người hệt như tôi ngó ngang dọc dò hỏi đủ đường để tìm đến “làng địa ngục”, ai cũng mang trong mình tâm trạng háo hức tò mò đến thăm ngôi làng cổ ẩn mình giữa núi rừng Hà Giang hùng vĩ.
Những ai đã đến với Sảo Há đều có chung cảm nhận với tôi rằng người dân nơi đây rất hiền hòa, thân thiện và hiếu khách.
Tuy đời sống còn nhiều khó khăn và bất tiện nhưng sự ung dung của họ khiến bất kỳ ai cũng thấy nhẹ nhõm vô cùng.
Bên cạnh đó, ở đây mang đến những giây phút giúp cho bản thân cảm thấy bé nhỏ giữa bầu trời rộng lớn, cảm nhận cuộc sống thường nhật trốn xa thế giới ngoài kia.
Và người dân nơi đây, họ vẫn làm vườn, vẫn trồng trọt và khéo léo ngồi se lanh dệt vải, mặc kệ nắng mưa trôi đi bao mùa.
Rong ruổi quanh làng cả ngày trời, rồi cũng đến lúc tôi như ông Thập trưởng làng trong “Làng địa ngục” chào bà con trong xóm để xuống dưới xuôi, chỉ có điều không biết có thêm lần nào nữa tôi mới có dịp đến thăm ngôi làng nhỏ này nữa.
Đoạn trở về tôi lại đi qua những nẻo đường vắng lặng, nhìn đâu cũng chỉ thấy núi non hùng vĩ, lấm tấm đá đen, qua không biết bao nhiêu nương ngô và thỉnh thoảng mới thấy thấp thoáng một ngôi nhà trình tường án ngữ giữa lưng chừng núi.
Tôi cảm giác mỗi lần đến Hà Giang là một lần mình trưởng thành, để nhận ra nếu không ngại khó khăn, ngại đường xa trắc trở thì mình sẽ có thể tìm được những món quà đầy bất ngờ, mà cứ ngỡ nó chỉ đến với ta một lần duy nhất trên đời.