Thông tin trên được ông Padoemphone Sonthani đưa ra tại Hội nghị thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục về nguy cơ, rà soát tháo gỡ và giúp đỡ những người bị tai nạn do bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại từ chiến tranh, diễn ra tại tỉnh Salavan.
Theo ông Padoemphone Sonthani, vấn đề bom, mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh gây trở ngại rất lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân Lào trên cả nước.
Do đó, Chính phủ Lào đã xác định đây là 1 vấn đề quan trọng và đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ IX (giai đoạn 2021-2025) để tổ chức triển khai, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Ông Padoemphone Sonthani cũng cho biết, chiến lược giải quyết vấn đề này mang tên “Con đường đi tới sự an toàn III” giai đoạn 2021-2030 đã chính thức được thông qua và hiện đang đi vào tổ chức thực hiện trên thực tế, phù hợp điều kiện kỹ thuật và ngân sách, phấn đấu đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội Lào giao.
Cùng với Việt Nam và Campuchia, Lào cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của bom, mìn nhất trên thế giới.
Trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến năm 1973, hơn 2 triệu tấn bom mìn đã được thả xuống đất Lào, trong đó có khoảng 30% chưa phát nổ với khoảng 80 triệu quả bom, đạn nằm rải rác khắp đất nước Lào.
Những địa phương của Lào chịu ảnh hưởng nhiều nhất chủ yếu nằm dọc khu vực sườn phía tây dãy Trường Sơn như: Xiengkhouang, Khammouane, Bolikhamxay, Savanakhet, Attapeu...
Ô nhiễm bom, mìn không chỉ gây trở ngại lớn cho phát triển kinh tế-xã hội mà còn đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân. Mỗi năm, có hàng chục người dân Lào bị thương vong do bom mìn.
Trong những năm gần đây, Lào nhận được nhiều dự án hỗ trợ công tác rà phá, xử lý bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, trả lại quỹ đất sạch, an toàn cho người dân sản xuất.