Trước khi bắt đầu phiên họp, Chính phủ chúc mừng đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Giao thông vận tải, nhận nhiệm vụ mới là Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, đánh giá cao quá trình công tác, những đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Thể trên cương vị Bí thư ban cán sự đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải, thành viên Chính phủ vào thành tựu chung của Chính phủ trong 2 nhiệm kỳ vừa qua.
Thủ tướng nêu rõ, với năng lực chuyên môn sâu, tâm huyết, chủ động, trách nhiệm, tận tuỵ với công việc, đồng chí Nguyễn Văn Thể đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng nhấn mạnh, việc đồng chí Nguyễn Văn Thể được Bộ Chính trị tin tưởng giao đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương là trọng trách nặng nề trong giai đoạn hiện nay; chúng ta phải nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Thủ tướng mong rằng, với sự hiểu biết, kinh nghiệm nhiều năm vừa qua, đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để đồng chí tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành; mong đồng chí tiếp tục kinh nghiệm của mình giúp đỡ Bộ Giao thông vận tải, phối hợp Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình.
Thủ tướng tin tưởng trên cương vị mới, đồng chí tiếp tục phát huy kinh nghiệm, năng lực, sở trường, cùng tập thể Ban chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, chung tay chung sức thực hiện hiệu quả, thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể phát biểu (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cách đây 1 năm, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; khi đó, chúng ta phải phải phòng, chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, nhìn lại 10 tháng qua, chúng ta thấy khác với 10 tháng năm 2021; có nhiều biến động so lúc xây dựng kế hoạch năm 2022 mà chưa lường hết được. Chính phủ họp phiên thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022; rút ra kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, quan điểm chỉ đạo điều hành từ nay đến cuối năm 2022, bảo đảm mục tiêu đã đề ra, tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị đối với tình hình kinh tế-xã hội đất nước.
Thủ tướng mong các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, kinh nghiệm, đóng góp báo cáo, thông qua Nghị quyết phiên họp để lãnh đạo, điều hành trong tháng 11 và 12, kết thúc năm 2022 thắng lợi, đạt các mục tiêu đề ra. Chúng ta nhận định, đánh giá tình hình để có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn... Tình hình hiện nay hết sức khó khăn, cho nên chúng ta phải xây dựng dự toán chi thận trọng, chắc chắn, khả thi, hiệu quả để bảo đảm an ninh tiền tệ, tài chính, bảo đảm giảm bội chi...
Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, những kết quả đạt được là do sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn, thách thức, càng phải đoàn kết, nỗ lực, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch; có giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 khoa học, kịp thời, hiệu quả… Bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức tốt các hội nghị quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phân công các đồng chí thành viên Chính phủ, nhất là các Bộ trưởng 4 lĩnh vực: Xây dựng, Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và Thông tin-Truyền thông và các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực thực hiện tốt công tác chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội XV này.
Về điều hành chỉ đạo, điều hành vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022; Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Thủ tướng nhấn mạnh các mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng; điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với diễn biến tình hình; tháo gỡ các vướng mắc để hướng nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên động lực của nền kinh tế như sản xuất, xuất nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; rà soát, tháo gỡ nhanh mọi vướng mắc đối với các văn bản quy phạm pháp luật, làm theo thủ tục rút gọn.
Thủ tướng bày tỏ, trong lúc khó khăn này, Chính phủ chia sẻ với người dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với Chính phủ; đồng thời chỉ đạo cần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; tập trung cho mục tiêu tăng năng suất lao động; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành của Chính phủ; tăng cường công tác thông tin truyền thông để củng cố niềm tin của thị trường, nhà đầu tư, nhân dân, doanh nghiệp; cương quyết xử lý theo đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân tung tin thất thiệt, sai sự thật nhằm phá hoại, xuyên tạc tình hình, nói xấu Đảng, Nhà nước.
Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng lưu ý, Ngân hàng Nhà nước bám sát chính sách tỷ giá phù hợp tình hình thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo; nghiên cứu có lộ trình tăng lãi suất phù hợp, hợp lý, chủ động thông tin truyền thông tốt; ổn định giữ vững, thúc đẩy, phát triển hệ thống ngân hàng thương mại. Bộ Tài chính kiểm soát tốt vấn đề chi ngân sách; thực hiện nghiêm tiết kiệm chi thường xuyên; tăng thu bằng các biện pháp; nghiên cứu sửa đổi điều chỉnh Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp phù hợp tình hình, luật pháp trên tinh thần đặt lợi ích tổng thể lên trên hết để làm. Liên quan vấn đề tự chủ trong bệnh viện, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải chỉ đạo tổng kết vấn đề này; từ đó mới đưa vào để sửa đổi, bổ sung. Bộ Công thương mở rộng các thị trường xuất khẩu; nghiên cứu xây dựng khẩn trương kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu nói chung, trong đó có xăng dầu, lương thực, thực phẩm, đầu vào sản xuất nông nghiệp;chủ trì sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, tinh thần chung là quy về một đầu mối quản lý phù hợp tình hình. Bộ Xây dựng chủ trì các vấn đề liên quan bất động sản.
Bộ Giao thông vận tải nỗ lực triển khai các dự án đường cao tốc; triển khai các dự án trọng điểm như nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vào Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xử lý dứt điểm vấn đề này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu chiến dịch 80 ngày thực hiện tốt vấn đề IUU, xây dựng đề án phát triển rừng; Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Y tế tuyên truyền, tổ chức tốt chiến dịch tiêm vaccine, xử lý tốt vấn đề học phí trên tinh thần dung hòa. Bộ Ngoại giao đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại, thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nỗ lực bảo đảm giữ vững an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội. Bộ Y tế bảo đảm đủ thuốc men, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bộ Khoa học và Công nghệ cần phân tích, đánh giá, có giải pháp để tăng năng suất lao động.