Chính phủ họp chuyên đề về công tác quy hoạch

NDO -

Sáng 19/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về quy hoạch nhằm đánh giá tình hình công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2022, những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về quy hoạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về quy hoạch.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển đất nước nói chung và kinh tế-xã hội nói riêng. Cho nên, Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo, xây dựng công tác quy hoạch tổng thể trên bình diện cả nước; từng bước luật hóa Luật Quy hoạch. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cố gắng xây dựng Luật Quy hoạch.

Chính phủ họp chuyên đề về công tác quy hoạch -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp.

Sau mấy năm thực hiện, Thủ tướng đánh giá có nhiều cái làm được; tuy nhiên còn nhiều vấn đề trên thực tế còn vướng mắc do liên quan nhiều luật khác được ban hành. Vừa qua Quốc hội ban hành Nghị quyết số 19 ngày 27/7/2021 thành lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Trên cơ sở đánh giá, giám sát tối cao của Quốc hội, sự theo dõi của Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã họp và thảo luận thống nhất ra thông báo 111 ngày 14/4/2022 chỉ ra 10 vấn đề cần nghiên cứu, tiếp tục phối hợp với Quốc hội.

Đó là vấn đề về tiến độ lập quy hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội có khả thi không, có đạt được không? Từ nay đến cuối năm, thời gian còn ít, công việc rất nhiều, chúng ta phải giải quyết nhiều công việc như thị trường vốn, lạm phát, vấn đề liên quan  khủng hoảng Nga-Ukraine, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch Covid-19... việc phát sinh mới nhiều, nhiệm vụ thường xuyên cũng nặng nề hơn; những vấn đề liên quan cạnh tranh chiến lược trên thế giới...

Thứ hai, về nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia thế nào? Vừa qua, chúng ta thông qua được đề cương quy hoạch nhưng nội hàm cụ thể thế nào? Do đó, nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định được đúng, trúng, xác định được điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục, những cơ hội và thách thức.

Thứ ba là mối quan hệ giữa các quy hoạch thế nào?

Thứ tư, vấn đề tích hợp trong quy hoạch.

Thứ năm, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch. Đơn cử, chúng ta phải lập quy hoạch phát triển 6 vùng; đã làm được 2 vùng, còn 4 vùng nữa và 63 tỉnh, thành phố phải làm, quy hoạch của các bộ, ngành cũng phải làm. Điều đó đặt ra việc tư vấn, thẩm định như thế nào? Làm thế nào bảo đảm cả tiến độ và chất lượng quy hoạch?

Thứ sáu, nguồn vốn cho việc lập quy hoạch thế nào?

Thứ bảy, việc bãi bỏ các quy hoạch về phát triển hàng hóa, dịch vụ sản phẩm cụ thể đã hợp lý chưa? Điều này đặt ra những vấn đề, thí dụ như phát triển vùng nguyên liệu, hoặc bất cứ ngành nào, sản phẩm nào cũng phải có quy hoạch mới phát triển hiệu quả.

Thứ tám, cải cách hành chính trong quy hoạch thế nào?

Thứ chín, việc kế thừa và chuyển tiếp các quy hoạch.

Thứ mười, nghiên cứu đề xuất việc phân cấp, phân quyền trong thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch.

Chính phủ họp chuyên đề về công tác quy hoạch -0

Thủ tướng nhấn mạnh, 10 vấn đề trên rất lớn, liên quan các luật, công việc cần phải triển khai. Do đó, chúng ta phải bàn và đánh giá tiếp; vấn đề là trong quá trình này, chúng ta phải bổ sung, hoàn thiện Luật Quy hoạch cho phù hợp, bảo đảm thực hiện khả thi, hiệu quả. Những vấn đề khó, nhạy cảm, có những ý kiến khác nhau cũng là bình thường.

Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá những việc làm được, chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm gì từ sau khi thực hiện Luật Quy hoạch để làm tốt hơn thời gian tới; trước mắt, cần xử lý những vấn đề gì để kịp thời triển khai công việc; về lâu dài, cần phải làm gì để thực hiện theo Luật, đồng thời phải làm căn cơ, bài bản, đạt hiệu quả cao hơn.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch sau quá trình thảo luận, lấy ý kiến kỹ lưỡng, lắng nghe các ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.

Việc ban hành và triển khai Luật Quy hoạch đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, chúng ta đã làm được nhiều việc, đạt một số kết quả đáng khích lệ, các cấp, các ngành trưởng thành hơn trong công tác quy hoạch…

Tuy nhiên, đây là việc mới, khó nên quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, các cơ quan đã tích cực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý và có không ít việc chưa làm được. Việc lập các quy hoạch tuy đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng nhìn chung vẫn còn chậm so yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu, với quyết tâm cao, phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất các cấp có thẩm quyền trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.

Qua thảo luận, các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch trên cơ sở bám sát hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội; về lâu dài phải tiếp tục sơ kết, tổng kết, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.

Các nội dung chủ yếu trình Quốc hội bao gồm việc đề xuất điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó lựa chọn một số quy hoạch cần ưu tiên phải lập, hoàn thành sớm để phục vụ phát triển đất nước; điều chỉnh quy định về chi phí, cho phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; điều chỉnh nội hàm quy hoạch quốc gia theo hướng tập trung vào các quan điểm, định hướng chiến lược, không gian phát triển, những vấn đề có tác động, chi phối lớn đến công tác quy hoạch ở cấp dưới…

Cùng với đó, kiến nghị Quốc hội cho phép lập đồng thời các quy hoạch và việc điều chỉnh quy hoạch không cần thực hiện thủ tục lập nhiệm vụ quy hoạch; cho phép các quy hoạch đã phê duyệt trước ngày 1/1/2019 được tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, cho đến khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt; đồng thời, cho phép lựa chọn tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng theo hình thức chỉ định thầu hoặc cho phép các đơn vị nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tham gia xây dựng quy hoạch của ngành theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ có kinh phí, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Cho phép quy định việc phải xây dựng và ban hành văn bản về các quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh, các hoạt động của ngành; cho phép điều chỉnh tiến độ và giải thích, thống nhất cách hiểu về khái niệm, nguyên tắc tích hợp quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của từng cơ quan, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với các tiêu chí, tiêu chuẩn cho rõ và cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, triển khai các công việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ban Cán sự đảng Chính phủ sẽ đề xuất, trao đổi, thống nhất với Đảng đoàn Quốc hội trước khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định, trên tinh thần bảo đảm tiến độ kịp thời nhưng nâng cao chất lượng, khả thi.