Với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, chương trình dự kiến thực hiện hơn 1 triệu bữa cơm có thịt cho các em học sinh tại gần 100 điểm trường ở 9 tỉnh vùng núi phía bắc và Tây Nguyên.
Một khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố mới đây cho thấy chỉ có 26,2% người tham gia khảo sát đủ điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày. Đây là con số khó tin và không dễ chấp nhận khi Việt Nam thuộc nhóm nước có chỉ số hạnh phúc đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2020 cũng chỉ ra, mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc đã giảm, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số (31,4%) vẫn cao gấp 2 lần nhóm trẻ là người Kinh. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số thiếu cân cũng lớn hơn gấp 2,5 lần (21%) so với trẻ em là người Kinh (8,5%).
Những con số trên cho thấy việc chăm sóc dinh dưỡng là ưu tiên đặc biệt cho sự phát triển toàn diện của trẻ vùng cao đồng thời cần có sự góp sức của doanh nghiệp và cộng đồng.
Quỹ Trò nghèo Vùng cao là quỹ xã hội từ thiện, tiền thân là Chương trình ‘Cơm có thịt’. Quỹ hoạt động không vì lợi nhuận, với mục đích tham gia hỗ trợ học sinh nghèo vùng cao có bữa ăn tại lớp nhiều dinh dưỡng hơn, có thêm quần áo ấm, đồ dùng học tập, sách truyện, thuốc chữa bệnh, xây dựng trường, ký túc xá, bếp ăn, giếng… và những trợ giúp cần thiết khác.
Các học sinh được hỗ trợ “cơm có thịt” là những học sinh nghèo, nhà gần trường (dưới 4km) chưa đủ điều kiện để được hưởng chế độ hỗ trợ ăn trưa của nhà nước. Các con về nhà phải đi bộ mất nhiều cây số đường núi không kể trời nắng hay mưa, do đó tỷ lệ quay lại trường học buổi chiều sẽ rất ít.
Thầy Quỳnh, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tân Tiến, Bản Pe, chia sẻ: “Chúng tôi như được tiếp thêm lửa khi có chương trình ý nghĩa như “Chin-su một triệu bữa cơm có thịt” đồng hành. Nhờ các bữa cơm có thịt tiếp thêm động lực mà các trò siêng năng đến trường, lớp học đầy đủ hơn, đây là niềm hạnh phúc to lớn nhất của thầy cô chúng tôi”.