Chiến lược ổn định nguồn cung dược phẩm của EU

Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các quốc gia thành viên, ngành công nghiệp, chuyên gia y tế… tích cực tham gia liên minh về các loại thuốc quan trọng để bảo đảm tính tự chủ của Liên minh châu Âu (EU) trong lĩnh vực dược phẩm. Bước đi này góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt các loại thuốc, nhất là kháng sinh, mà khối này phải đối mặt hồi mùa đông vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Sự thiếu hụt lao động là thách thức với ngành dược phẩm của EU. Ảnh Getty Images
Sự thiếu hụt lao động là thách thức với ngành dược phẩm của EU. Ảnh Getty Images

Ý tưởng xây dựng một liên minh thuốc từng được EC công bố vào tháng 10/2023 và nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia. Được xây dựng dựa trên mô hình của liên minh về pin, liên minh về các loại thuốc quan trọng hướng tới mục tiêu bảo đảm tính tự chủ của EU trong lĩnh vực dược phẩm, thông qua việc phát triển các giải pháp sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi về ký kết hợp đồng.

Theo Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke và Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides, liên minh thuốc sẽ giúp EU thay đổi cách sản xuất và mua thuốc, đồng thời mở rộng cơ hội để đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua việc ký kết các quan hệ đối tác chiến lược.

Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những khiếm khuyết của hệ thống chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia EU, trong đó có tình trạng khan hiếm thuốc.

Mặc dù lĩnh vực dược phẩm của EU phát triển mạnh mẽ, nhưng từ nhiều năm nay, khối này phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng về thiếu hụt các loại thuốc quan trọng, nhất là kháng sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt này, nổi bật là sự gia tăng đột biến về nhu cầu, sự phụ thuộc vào các quốc gia ngoài khối trong sản xuất các hoạt chất dược phẩm.

Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những khiếm khuyết của hệ thống chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia EU, trong đó có tình trạng khan hiếm thuốc. Theo Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), nhu cầu về kháng sinh tăng lên do số ca nhiễm trùng đường hô hấp tăng nhanh trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế lây lan dịch bệnh khiến việc nhập khẩu thuốc trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh này, các nước thành viên EU đã đề ra kế hoạch tổng thể có tên là Chiến lược Dược phẩm châu Âu, với các mục tiêu như: Bảo đảm tất cả bệnh nhân có đủ thuốc chữa bệnh ngay lập tức, tự sản xuất dược phẩm cơ bản, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô có nguồn gốc từ các nước bên ngoài EU.

Giới chức EU cũng thúc giục thiết lập một cơ chế đoàn kết tự nguyện mới cho phép bất kỳ quốc gia thành viên nào đang gặp phải tình trạng thiếu hụt thuốc có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia thành viên khác.

Hồi mùa đông 2022-2023, sự thiếu hụt trầm trọng các loại thuốc đã khiến dư luận EU quan ngại. Các dược sĩ Đức cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng trong việc cung ứng một số loại thuốc chữa bệnh tại Đức, đồng thời kêu gọi nhà chức trách khẩn trương giải quyết vấn đề bởi việc chăm sóc bệnh nhân ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Tháng 4/2023, Viện Dược phẩm và Thiết bị y tế liên bang Đức công bố danh sách 477 loại thuốc đang bị thiếu, tăng so với khoảng 300 loại bị thiếu được ghi nhận vào mùa thu năm 2022. Tình trạng thiếu hụt lao động, già hóa dân số làm gia tăng nhu cầu về thuốc dành cho người cao tuổi... cũng là những trở ngại lớn đối với sự phát triển của ngành dược phẩm.

EU đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống về thuốc trên toàn khối, trong đó có đẩy mạnh phân phối lại các loại thuốc giữa các nước thành viên. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp mang tính chất tạm thời.

Về lâu dài, khối này cần nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua việc tăng cường năng lực sản xuất các loại thuốc và hoạt chất quan trọng để có thể ứng phó tình trạng khẩn cấp về y tế tương tự đại dịch Covid-19.