Brexit không thỏa thuận làm tăng nguy cơ thiếu dược phẩm tại châu Âu

NDO -

NDĐT - Trong bối cảnh hạn chót để Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU) (ngày 31-10-2019) đang đến gần, giới chuyên gia y tế cảnh báo, tình trạng thiếu một số loại thuốc có thể trở nên trầm trọng hơn tại châu Âu nếu London “chia tay” “mái nhà chung châu Âu” mà không có thỏa thuận.

Những vỉ thuốc chuẩn bị được đóng gói tại Bỉ, tháng 8-2019. (Ảnh: Reuters)
Những vỉ thuốc chuẩn bị được đóng gói tại Bỉ, tháng 8-2019. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Hiệp hội Thực phẩm và Đồ uống Anh tuần trước cảnh báo, nước này sẽ rơi vào tình trạng thiếu một số loại thực phẩm tươi sống nếu Brexit diễn ra một cách thiếu trật tự vì không có thỏa thuận giữa London và Brussels. Các công ty dược phẩm cũng bày tỏ quan ngại tương tự, một số hãng còn đặt chỗ với các hãng hàng không để vận chuyển thuốc khi cần thiết.

Theo báo cáo của Quốc hội Anh, khoảng 45 triệu hộp thuốc được chuyển từ Anh tới các nước còn lại trong EU hằng tháng. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu thuốc của Anh sang các nước trong khối này đạt gần 12 tỷ bảng Anh. Trong khi đó, theo số liệu của ngành dược phẩm Anh, nước này nhập từ EU khoảng 37 triệu hộp thuốc mỗi tháng.

Giới chuyên gia y tế cho rằng, nguy cơ xảy ra một số gián đoạn là không thể tránh khỏi nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận Brexit. Tác động đối với nguồn cung thuốc có thể ra vượt ra ngoài phạm vi nước Anh. Các cơ quan quản lý và đại diện trong ngành dược phẩm nhận định, việc tăng cường kiểm soát hải quan tại các cảng và khu vực biên giới khác giữa Anh và EU cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung thuốc và hợp chất hóa học cần thiết để sản xuất thuốc.

Ông Andy Powrie-Smith, một quan chức của Liên đoàn Hiệp hội ngành dược phẩm châu Âu (EFPIA) cho biết với Reuters: “Dù ngành dược phẩm đã chuẩn bị sâu rộng cho mọi kịch bản nhưng Brexit không thỏa thuận vẫn có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động cung cấp thuốc” trên toàn EU.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho hay, EU đã chuẩn bị tốt cho Brexit và hoàn tất việc cấp phép cho gần như tất cả 400 loại thuốc do cơ quan này quản lý. Tuy nhiên, theo một quan chức EMA, vẫn còn ba loại thuốc đang chờ được cấp phép kinh doanh trên toàn EU. Theo dữ liệu của EMA, nhiều loại thuốc thiết yếu khác cũng có thể không được cấp phép vì vấp phải nhiều rào cản trong quá trình giám sát do Brexit gây ra. EMA là cơ quan duy nhất có thể cấp phép kinh doanh tại 28 nước thành viên EU đối với các loại thuốc mới để điều trị những bệnh phổ biến và nghiêm trọng nhất, trong đó có ung thư, tiểu đường và cúm.

Theo Tập đoàn Dược phẩm EU, cuộc khảo sát 21 nước châu Âu cho thấy, tất cả những quốc gia này đã đối mặt với tình trạng thiếu thuốc trong năm 2018. Các loại vắc-xin nằm trong số những loại thuốc thường xuyên được coi là bị thiếu nguồn cung nhất.

Những nhận định và cảnh báo nêu trên được đưa ra khi Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định ông sẽ đưa đất nước rời EU vào đúng hạn chót mà không có thỏa thuận nào nếu khối này từ chối đàm phán với Anh về một thỏa thuận Brexit mới.