Chiến dịch tấn công trên bộ dữ dội của Israel ở Gaza

Máy bay chiến đấu của Israel, ngày 5/12, đã tiến hành oanh kích, đồng thời lực lượng bộ binh với sự yểm trợ của xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào Dải Gaza, trong ngày tấn công ác liệt nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch đổ bộ vào dải đất này.
0:00 / 0:00
0:00
Xe quân sự Israel di chuyển sát biên giới với Dải Gaza ngày 5/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Xe quân sự Israel di chuyển sát biên giới với Dải Gaza ngày 5/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Hamas cũng tiếp tục phóng rocket và tên lửa về phía các thành phố của Israel.

Tư lệnh miền nam của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Yaron Finkelman khẳng định, quân đội Israel đang trong ngày căng thẳng nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch trên bộ, khi cùng tham chiến tại Jabalya ở phía bắc, Shuja’iyya ở phía đông và Khan Yunis ở phía nam vùng lãnh thổ này. Thành phố Khan Younis đã trải qua các cuộc tấn công dữ dội chưa từng có bởi pháo kích và oanh kích. Đụng độ trên bộ giữa binh sĩ Israel và các tay súng Hamas cũng xảy ra ở phía đông và phía bắc thành phố này.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại các vùng lãnh thổ của Palestine, ông Richard Peeperkorn cho biết, tình hình tại Dải Gaza đang xấu đi từng giờ với các cuộc ném bom liên tục của Israel vào các vùng phụ cận thành phố Khan Yunis và Rafah. Giới chức y tế và an ninh Palestine cho biết, có ít nhất 65 người chết trong cuộc không kích của Israel vào khu dân cư ở miền trung và miền nam Dải Gaza. Trong khi đó, IDF cho biết, tổng cộng 80 binh sĩ thiệt mạng kể từ khi phát động chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào Gaza.

Cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết, kể từ khi xung đột nổ ra ngày 7/10 vừa qua, hơn 16.200 người Palestine tại vùng lãnh thổ này đã chết trong các cuộc không kích của Israel, trong đó có tới 70% là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, giới chức Israel cho biết khoảng 1.200 người tại Israel chết, chủ yếu là dân thường.

Kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức

Tại hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện sáu nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC-gồm Qatar, Saudi Arabia, Bahrain, Oman, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), cùng khách mời là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, GCC cảnh báo về tình hình xung đột Israel-Hamas, đồng thời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.

Trong Tuyên bố Doha được thông qua tại Phiên họp thứ 44 của Hội đồng tối cao GCC ở Qatar, lãnh đạo các nước GCC cảnh báo về mối nguy hiểm của việc mở rộng đối đầu và xung đột lan rộng sang các khu vực khác ở Trung Đông. GCC nhấn mạnh Trung Đông đang phải đối mặt những thách thức nguy hiểm do việc Israel ném bom vào Dải Gaza dẫn đến bạo lực leo thang. Tuyên bố cũng kêu gọi đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững, đồng thời bảo đảm việc đưa tất cả hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.

Quốc vương Abdullah của Jordan cảnh báo rằng, chiến dịch ném bom không ngừng của Israel đang khiến tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Quốc vương Abdullah đã vận động các nhà lãnh đạo phương Tây gây áp lực đối với Israel để viện trợ cho Gaza không bị gián đoạn và mở các cửa khẩu do chính quyền Tel Aviv kiểm soát để cung cấp đủ viện trợ cần thiết.

Chính phủ Mỹ thông báo sẽ từ chối cấp thị thực cho những người định cư Israel tham gia các vụ tấn công người Palestine ở khu Bờ Tây. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nêu rõ, Mỹ sẽ từ chối nhập cảnh đối với bất kỳ cá nhân nào liên quan các hành vi “phá hoại hòa bình, an ninh hoặc ổn định ở Bờ Tây” hoặc những người có các hành động “hạn chế quá mức khả năng tiếp cận của dân thường đối với các dịch vụ thiết yếu và nhu cầu cơ bản”.

Cần tăng viện trợ khẩn cấp

Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power đã tới thị trấn El-Arish của Ai Cập (cửa ngõ vào cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza) và công bố gói hỗ trợ mới cho Dải Gaza. Khoản viện trợ mới trị giá 21 triệu USD của Mỹ sẽ bao gồm cung cấp các vật tư vệ sinh, chỗ trú ẩn và thực phẩm cho người dân tại Dải Gaza.

USAID nêu rõ khoản hỗ trợ này nằm ngoài khoản viện trợ 100 triệu USD được Tổng thống Joe Biden công bố ngày 18/10 vừa qua. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đã chuyển tới Dải Gaza 16,3 tấn hàng hỗ trợ khẩn cấp đã được công bố trước đó, bao gồm vật tư y tế, quần áo mùa đông và thực phẩm.

Phát biểu với báo giới, bà Power cho biết: “Trong thời gian tạm dừng chiến sự tuần trước, chúng tôi đã chứng kiến những tiến bộ quan trọng và đáng mong đợi trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Dải Gaza. Mỹ đang làm mọi thứ trong khả năng để thúc đẩy tiến trình đó”. Bà cũng cho biết đã trao đổi với giới chức Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Ai Cập và các quan chức Liên hợp quốc về cách thức đẩy nhanh tốc độ viện trợ đến Dải Gaza.

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh, trong ngày 4/12 chỉ có 100 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo và khoảng 69.000 lít nhiên liệu được chuyển đến Gaza. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình hằng ngày 170 xe tải và 110.000 lít nhiên liệu đã được chuyển tới trong đợt cứu trợ từ ngày 24 đến 30/11 vừa qua.