Israel nỗ lực hoàn tất thỏa thuận với Hamas

Giám đốc Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) David Barnea đã đến Qatar để thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà về những chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và trao trả con tin giữa Israel và Phong trào Hamas.
0:00 / 0:00
0:00
Xe chở hàng cứu trợ chờ ở cửa khẩu Rafah để đưa hàng hóa vào Gaza.
Xe chở hàng cứu trợ chờ ở cửa khẩu Rafah để đưa hàng hóa vào Gaza.

Mặc dù các bên đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận, nhưng vẫn còn những điểm chưa thống nhất, bao gồm cơ chế trao trả con tin cũng như thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Hamas tuyên bố bắt đầu ngừng bắn từ 10 giờ ngày 23/11 (giờ địa phương), trong khi phía Israel vẫn chưa chính thức xác nhận. Cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi cho biết, các cuộc đàm phán về một số chi tiết trong thỏa thuận vẫn đang diễn ra và việc trả tự do cho các con tin sẽ không diễn ra trước ngày 24/11.

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tạm dừng giao tranh trong 4 ngày tại Dải Gaza để tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo. Trong thời gian ngừng bắn, phía Hamas sẽ trả tự do cho ít nhất 50 trong khoảng 240 con tin mà lực lượng này giam giữ kể từ khi xảy ra cuộc xung đột. Trong khi đó, Israel cũng sẽ phóng thích 150 tù nhân người Palestine, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ.

Thỏa thuận trên được xem là bước đột phá lớn đầu tiên trong các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza, qua đó giúp mở đường cho hàng trăm xe viện trợ nhân đạo, thuốc men và nhiên liệu đi vào Dải Gaza. Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ Israel khẳng định, nước này sẽ nối lại các cuộc tấn công ngay sau khi thực thi thỏa thuận ngừng bắn và việc Hamas trao trả con tin.

Ngày 22/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với các nhà lãnh đạo Ai Cập, Israel và Qatar về vấn đề trao trả con tin liên quan cuộc xung đột ở Dải Gaza. Theo thông báo của Nhà trắng, Tổng thống Biden và Quốc vương Qatar cam kết duy trì liên lạc chặt chẽ để bảo đảm việc tuân thủ thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ dân thường, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và tăng viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine ở Dải Gaza.

Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Biden cam kết tiếp tục các nỗ lực nhằm bảo đảm việc thả tất cả những con tin còn lại đang bị Hamas giam giữ. Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì yên bình dọc biên giới với Liban và tại Bờ Tây.

Ðiện đàm với Tổng thống Ai Cập, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định không ủng hộ việc buộc người Palestine phải di dời khỏi Gaza và Bờ Tây, hay điều chỉnh lại biên giới của Gaza. Ông cũng nhấn mạnh cam kết ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với người đồng cấp Saudi Arabia, trong đó hai bên tái khẳng định cam kết ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn khu vực.

Ngày 22/11, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Arab hoan nghênh thỏa thuận tạm thời ngừng bắn và trao trả con tin giữa Hamas và Israel. Tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao nhấn mạnh thỏa thuận này là bước đi đầu tiên hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn các hoạt động thù địch, đồng thời kêu gọi gia hạn thỏa thuận này để có thêm thời gian cung cấp viện trợ đến Dải Gaza.

Phát biểu tại buổi họp báo chung ở London (Anh), Bộ trưởng Ngoại giao các nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập và Jordan bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận là bước mở đầu dẫn đến việc nối lại các cuộc đàm phán về giải pháp hai nhà nước, dựa trên các nguyên tắc đã được cộng đồng quốc tế thiết lập. Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và mở rộng hoạt động viện trợ nhân đạo, đồng thời cho rằng hoạt động này không nên bị phụ thuộc vào các đợt trả tự do cho con tin tiếp theo.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đánh giá cao nỗ lực trung gian của Qatar, với sự hỗ trợ của Ai Cập và Mỹ, trong việc đạt được thỏa thuận, đồng thời khẳng định đây là bước đi đúng hướng quan trọng. Tuy nhiên, ông Guterres cho rằng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để chấm dứt cuộc xung đột.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng thỏa thuận sẽ giúp tiến tới chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột càng sớm càng tốt. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá thỏa thuận là bước đi mang tính tích cực, có thể giúp kích hoạt một lộ trình để đạt được hòa bình toàn diện, lâu dài và công bằng, dựa trên giải pháp hai nhà nước theo luật pháp quốc tế.

Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Catherine Russell đã gọi Dải Gaza là "nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với trẻ em", khẳng định thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được giữa Israel và Hamas không đủ để bảo đảm an toàn tính mạng cho nhóm đối tượng này. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ, bà Russell nhấn mạnh, hơn 5.300 trẻ em được cho là đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát, chiếm 40% tổng số người thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Trong một phát biểu khác, người đứng đầu Quỹ Dân số LHQ Natalia Kanem đã kêu gọi quốc tế chú ý đến hoàn cảnh khó khăn của những phụ nữ mang thai ở Gaza, với khoảng 5.500 người dự kiến sẽ sinh con trong điều kiện khó khăn vào tháng tới. Bà Kanem nói: "Vào thời điểm cuộc sống mới đang bắt đầu, khoảnh khắc lẽ ra là niềm vui lại bị lu mờ bởi cái chết và sự hủy diệt, nỗi kinh hoàng và sợ hãi".