Chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật từ Iran

NDO - Lần đầu tiên, người dân Hà Nội được tận mắt chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật có nguồn gốc từ lịch sử văn hóa hàng nghìn năm của đất nước Iran. Từ những tấm thảm dệt rực rỡ gợi nhớ “Nghìn lẻ một đêm”, những vật dụng được chế tác tinh xảo… cho đến những công trình hiện đại của ngày nay, cũng như hình ảnh về văn hóa, tập tục, con người Iran.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ bình và chân đèn vẽ tay tại triển lãm.
Bộ bình và chân đèn vẽ tay tại triển lãm.

Triển lãm “Di sản Nghệ thuật Iran, cái nôi của nền văn minh” do Đại sứ quán nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức, khai mạc ngày 13/7 tại Bảo tàng. Với những đồ tạo tác bằng đồng, bạc, thảm dệt, vải trang trí…, cùng triển lãm ảnh giới thiệu những công trình kiến trúc, di sản văn hóa, những phong tục tập quán, con người, thiên nhiên, cảnh vật của Iran, triển lãm đã mở cánh cửa cho khách tham quan hiểu rõ hơn về sự rực rỡ của di sản nghệ thuật Iran, cái nôi của nền văn minh, lịch sử lâu đời và sự phong phú của văn hóa truyền thống Iran cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Iran và Việt Nam.

Chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật từ Iran ảnh 1

Bộ bình hoa và chân nến chạm trổ và khảm đá ngọc lam.

Ngài Ali Akbar Nazari, Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam cho biết: “Đại sứ quán coi việc tổ chức các sự kiện văn hóa là một trong những ưu tiên của mình. Triển lãm lần này là khởi đầu của chuỗi hoạt động giới thiệu một số sự kiện văn hóa mà chúng tôi sẽ tổ chức vào năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Iran và Việt Nam”.

Chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật từ Iran ảnh 2

Khách tham quan thích thú trước bộ sưu tập thảm Ba Tư.

Chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật từ Iran ảnh 3

Chiếc ang được trang trí cầu kỳ.

Ngài Đại sứ Ali Akbar Nazari cho biết, với mục đích mang đến hiểu biết sâu sắc hơn về sự rực rỡ của di sản nghệ thuật Iran, cái nôi của nền văn minh, lịch sử lâu đời và sự phong phú của văn hóa truyền thống Iran cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Iran và Việt Nam, triển lãm là sự kết hợp hài hòa những món đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị và 70 bức ảnh được sưu tầm từ các vùng khác nhau của Iran, quê hương của một trong những nền văn minh lớn, liên tục và lâu đời nhất thế giới, với các khu định cư đô thị lịch sử có niên đại từ năm 7000 trước Công nguyên.

Chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật từ Iran ảnh 4

Chiếc bình được cẩn từ những miếng đá ngọc lam

Ngài Đại sứ chia sẻ, nghệ thuật thủ công mỹ nghệ ở Iran đã có lịch sử hàng nghìn năm, và hiện nay vẫn đang tiếp tục được gìn giữ ở nhiều nơi. Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm là sự kế thừa của truyền thống đó, từ kỹ thuật chạm khắc, cẩn đá… cho đến vẽ tay cực kỳ tinh xảo. “Có thể thấy những chiếc bình, ang bằng đồng không chỉ được chạm khắc mà còn được cẩn đá ngọc lam rất cầu kỳ. Để làm được chiếc bình này, người thợ phải cắt, mài từng miếng ngọc nhỏ theo chi tiết trang trí và cẩn lên, sau đó tiếp tục mài và đánh bóng. Vì thế những đồ vật ở đây mặc dù có tính trang trí nhưng đều có giá trị rất cao bởi sự cầu kỳ, tỉ mỉ và công phu trong quá trình tạo tác” – ông nói.

Chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật từ Iran ảnh 5

Chiếc ang được chạm khắc những chi tiết theo câu chuyện từ những vần thơ.

Những món đồ khác mang các hình hoa văn đặc trưng của văn hóa Iran, vốn khá phổ biến ở các công trình kiến trúc, đồ vật trang trí, khăn, thảm… Một chiếc ang thả hoa hoặc đựng trái cây bằng đồng mạ bạc, được chạm khắc rất cầu kỳ, mang câu chuyện từ những vần thơ của một nhà thơ cổ đại của Iran. Những chiếc bình bằng đồng, được vẽ tay và tráng men thủy tinh, phần nào gợi nhớ đến nghệ thuật sơn mài của Việt Nam. Những tấm vải trang trí được dệt từ sợi chỉ vàng, chỉ bạc, cẩn hạt cườm vô cùng tinh xảo…

Chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật từ Iran ảnh 6

Những chi tiết trang trí trên vải vô cùng tinh xảo.

Cùng với các món đồ tạo tác tinh xảo, hơn 70 bức ảnh ghi lại những lát cắt về cuộc sống, văn hóa và con người Iran cũng giúp người xem phần nào hiểu thêm về đất nước này. Một nhóm nhảy truyền thống của địa phương đưa cô dâu chú rể về nhà mới trong một đám cưới của người Kurmanji, làng Emamgholi, tỉnh Khorsan Razavi. Cảnh thu hoạch hoa nghệ tây trên cánh đồng tại Torbat e Haydarieh, Emamgholi, tỉnh Khorsan Razavi. Lễ Ashura tái hiện sự kiện Karbala, cuộc chiến dẫn đến sự hy sinh của Imam Hussein (cháu trai nhà tiên tri Muhamad), diễn ra tại Far. Đám cưới người dân tộc Bakhtiari đầy màu sắc truyền thống với khăn tay và gậy, tổ chức tại Indika, tỉnh Khuzestan, nam Iran. Một gia đình thực hiện tục du xuân nhân dịp Tết Nowruz-năm mới của người Iran. Phụ nữ dân tộc Kurd (tại hạt Salas Babajani) mặc trang phục truyền thống ca hát, nhảy múa chào đón sự hồi sinh của đất trời vào mùa xuân.

Chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật từ Iran ảnh 7

Những bông hoa được tạo ra từ sợi đồng và đá.

Nhiều đền đài, lăng tẩm, công trình kiến trúc cổ cũng được giới thiệu tại triển lãm ảnh, như Thánh đường Hồi giáo Amir Chakhmaq, được xây dựng vào thế kỷ XVI; Thánh đường Hồi giáo Imam-biểu tượng đỉnh cao của kiến trúc Hồi giáo Iran, xây dựng năm 1611, được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới; Thánh đường Hồi giáo Sheikh Lotfollah–một trong những kiệt tác kiến trúc của Iran, được xây dựng vào năm 1603; Thánh đường Hồi giáo Nasir ol Molk–còn gọi là Thánh đường Hồng, được xây dựng năm 1876; dinh thự Tababaei; dinh thự Borujerdi; nhà tắm công cộng Sultan Amir Ahmad, một loại nhà tắm truyền thống của người Ba Tư được xây dựng tại Kashan, tỉnh Isfahan vào thế kỷ XVI, cũng là nhà tắm đẹp nhất Iran còn được bảo tồn đến ngày nay…

Chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật từ Iran ảnh 8

Vải được kết cườm phối hợp với thêu tay.

Người xem còn được chiêm ngưỡng những khung cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời từ những vùng đất khác nhau của Iran, như cánh đồng hoa mỹ nhân (poppy) rực rỡ vào mùa xuân ở núi Sabalan (tỉnh Ardabil), cánh đồng cỏ thả cừu đầy hoa ở hạt Talesh, tỉnh Gilan, vịnh Ba Tư dưới ánh hoàng hôn, núi Damavand cao nhất Iran với độ cao 5.609m, hồ EL Goli, còn gọi là hồ Hoàng đế, ở tỉnh Tabriz, suối nước mặn Badab Surt hình bậc thang tại làng Orost, tỉnh Mazandaran… cùng nhiều công trình hiện đại của Iran.

Chiêm ngưỡng những di sản nghệ thuật từ Iran ảnh 9

Bình đồng pháp lam Ba Tư tráng men thủy tinh.

Triển lãm không chỉ cho người xem hiểu thêm về đất nước Iran, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác ngoại giao văn hóa giữa Việt Nam và Iran. Có mặt tại triển lãm, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Nhất Hoàng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, đây là cơ hội rất tuyệt vời để người dân Việt Nam hiểu biết thêm về Iran – một nền văn hóa rực rỡ có hàng nghìn năm. Tính đa dạng của triển lãm làm cho người xem như được du hành đến một xứ sở khác biệt.

“Từ trước đến nay, chúng ta đã rất nỗ lực mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới, đồng thời chúng ta cũng tiếp nhận những tinh hoa của thế giới và mang những tinh hoa đó đến Việt Nam. Triển lãm này cũng mang ý nghĩa như vậy, mang cái đẹp của thế giới đến với Việt Nam. Triển lãm cũng mang tới những cơ hội hợp tác, học hỏi, chia sẻ trong những lĩnh vực khác, như bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể, một thế mạnh của Iran mà người xem có thể thấy rất rõ tại các hình ảnh, sản phẩm được trưng bày tại đây…” – ông Trần Nhất Hoàng chia sẻ.