"Cây còn thì làng còn!"
Từ TP Huế về các làng Phò Trạch, Siêu Quần, thuộc xã Phong Bình chừng 50 km, tận mắt chứng kiến hàng nghìn cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi bao bọc lấy làng với chiều dài chừng 10 km. Nhiều cổ thụ quý như đa, lộc vừng (còn gọi là mưng), ma kê, sanh, bội... ở làng Phò Trạch cao hàng chục m, thân cây phải hai, ba người ôm mới xuể. Còn ở làng Siêu Quần, dân làng trồng chủ yếu là lộc vừng, cây có nhiều tán, thân dẻo dai và có thể chống chọi lại gió bão. Lũy cây ở các làng đã ngăn cản được sức mạnh cuốn trôi của nước lũ, cản được gió lùa cát xâm hại từ biển thổi vào làng. Mùa đông lạnh giá, phía trong lũy cây là chỗ trú ẩn của người dân vào mỗi buổi trưa khi đi cấy, đi cày và cũng là nơi để trâu bò chống rét, chống gió. Lũy cây ấy như "thành lũy" vững chãi nên mùa đông trong làng lại ấm, mùa hè thì mát mẻ.
Ðiểm nổi bật ở hàng cây nối dài từ làng Siêu Quần đến Phò Trạch ở Phong Bình là hàng cổ thụ quý hiếm không mọc thẳng tắp mà tạo thành đường dích dắc, để rồi mỗi khi có sóng, gió đánh vào làng sẽ bị tán cây chặn lại. Trưởng thôn Siêu Quần Trần Thanh Hóa nhớ lại: Cơn "đại hồng thủy" năm 1999, tưởng rằng các làng Phò Trạch, Siêu Quần, Vân Trình ở vùng thấp trũng này đều bị "xóa sổ" nhưng chính nhờ lũy cây này đã cản tốc độ chảy xiết của nước lũ nên dân làng kịp thời sơ tán đến vùng cao phía sau động rú. Hết lụt, cả làng điểm danh thấy không thiếu một ai, rồng rắn kéo nhau ra đầu làng thì chính lũy cây đã giữ lại tất tần tật tài sản của dân làng, nào là bàn ghế, mái lợp bị nước lũ cuốn, rồi gà, vịt, trâu, bò chết trôi nằm lại bên bờ cây ven làng, không ai mất một thứ gì. Giờ thì tôi mới hiểu vì sao dân làng kính cẩn chắp tay khi nói về lũy cây. Ông Hóa khẳng định rằng: Rừng cây được xem là linh hồn của làng. Cây còn thì làng còn, cây mất thì làng mất!
Không nhiều người biết lũy cây ở các làng Phò Trạch, Siêu Quần và Vân Trình có từ khi nào nhưng họ đều tự hào truyền tai nhau rằng, lũy cây của làng mình do một vị quan thời triều Lê khuyến khích dân làng đắp đất cao để trồng cây chắn gió. Thực ra, gốc tích của lũy cây này được sử sách ghi và lưu giữ tại Siêu Quần rất rõ: Trước đây làng Siêu Quần là vùng hoang hóa. Năm 1365, đời vua Lê, vị quan này đã khai sinh ra làng khi theo dòng lưu dân vào khai phá vùng Thuận Quảng, đã nhắm cồn đất được bao bọc chung quanh là đầm lầy làm nơi định cư. Sau đó, ngài vào làm quan Ngự y trong triều. Mỗi khi về thăm làng, ngài khuyến khích con cháu trồng cây và treo giải thưởng: "Ai trồng nhiều thì sẽ được thưởng gạo, thưởng áo". Dân làng răm rắp trồng cây trên một con đê bao bọc quanh làng và nhận được rất nhiều gạo, còn áo thì chờ mãi vẫn không thấy đâu. Vài ba năm sau, khi hàng cây đã lên xanh, vị Ngự y chọn thời điểm giá rét để về thăm làng. Ngài cưỡi ngựa thị sát dọc bờ đê, từ đầu làng đến cuối làng. Từ ngoài làng, gió thổi rất mạnh nhưng đến khi vào trong làng thì ấm áp. Lúc này dân làng chợt nhận ra rằng "chiếc áo" mà ngài hứa ban thưởng cho người trồng cây chính là lũy cây ken dày mà ngài khuyến khích dân làng trồng. Thế nên, từ ngàn đời nay, dân làng gọi con đường đi dọc rừng cây ấy là "đường quan" hay "áo quan cho". Ðã hơn 600 năm nhưng dân làng vẫn lập miếu thờ, nhớ ơn vị Ngự y khai sinh ra vùng đất, nhất là nhớ ơn ngài đã giúp dân "may áo" bảo vệ làng.
Giữ "áo" cho làng
Dân làng Phò Trạch, Siêu Quần và Vân Trình có niềm tin rằng, rừng cây ấy sẽ bao bọc dân làng cho nên từ xa xưa, người dân đã có ý thức bảo vệ. Cụ Phạm Bá Diễn, một trong những vị cao niên của làng Phò Trạch kể lại: Hồi chúng tôi tóc còn để chỏm, đi chăn trâu ngay ở "đường quan" nhưng tuyệt đối không bao giờ dám bẻ cây hay chặt cành ở đó. Nếu đứa nào lỡ tay xem như phạm tội với làng, bố mẹ khổ sở lắm khi làng bắt phạt 30 roi và nộp heo cúng ở đình làng. Minh chứng cho sự uy nghiêm ấy khi trước đình làng Phò Trạch và Siêu Quần luôn chôn một cây nêu, phía trên cây nêu có buộc một cây roi và một cái rọ như để nhắc nhở dân làng không vi phạm. Chưa hết, ngày ngày, có người vác loa đi loan báo khắp làng và ngay cả bọn trẻ con trong làng cũng thuộc nằm lòng câu ghi trong hương ước: "Cấm trâu ăn kẹ, cấm mót cũi nè, cấm chặt cây ở đường quan". Tại làng Siêu Quần còn có cách phạt khác nhưng cũng không kém phần quyết liệt. Người nào chặt cây trong làng thì phải cầm mõ đi quanh làng mà rao rằng: "Tôi bẻ cành, chặt mưng của làng, đã phạm tội đến tổ tiên, từ nay tôi không dám vi phạm nữa". Lệ làng ngày xưa đến giờ vẫn còn giữ và được đưa vào hương ước xây dựng làng văn hóa trong nhiều năm nay là: "Không ai được chặt cây của làng nếu bắt được sẽ phạt từ hai đến năm triệu đồng. Người vi phạm phải đội mâm cau, trầu, rượu ra đình làng tạ lễ". Cũng theo cụ Diễn: "Bây chừ mưa bão liên miên nên dân làng sợ lắm, họ không phá cây cũng như chặt cây quý để bán dẫu nó rất có giá trị. Giờ đây chủ sở hữu của lũy cây ken dày ấy chính là dân làng".
Thú vị hơn khi đó không chỉ là cách nghĩ của bậc cao niên trong làng mà những người trẻ của làng cũng mong muốn như vậy. Có dạo, các làng Siêu Quần và Phò Trạch thiếu kinh phí để tu bổ, làm mới đình làng nhưng rất ít người đồng ý bán cây dẫu số tiền ấy có thể đến hàng trăm triệu, thậm chí lên đến tiền tỷ. Nhiều chị buôn thúng bán mẹt, nhiều anh đi làm thợ mộc, thợ nề, luôn đi làm xa làng hằng năm dành dụm, chắt chiu gom góp vài ba trăm nghìn đồng để góp xây dựng đình làng, quyết không cho bán cây ở "đường quan". Bởi với họ, ngoài việc bảo vệ làng, bảo vệ con cháu mình mai sau, rừng cây ấy còn có ý nghĩa về mặt tâm linh khi dân làng xem đây như một công trình để tưởng nhớ người khai phá ra vùng đất của làng hôm nay. Quyết tâm của dân làng là vậy nhưng đôi khi phải chật vật lắm mới giữ được lũy cây. Cụ Nguyễn Văn Tám, Hội chủ làng Siêu Quần nói giọng đầy nuối tiếc: "Hơn chục năm nay, nhiều "đại gia" đi xe ô-tô về làng nườm nượp, trả hàng trăm triệu, thậm chí lên đến bạc tỷ cho những cây cảnh có giá trị như lộc vừng, sanh hàng trăm tuổi tại "đường quan". Dân làng không bán thì người dân ở nơi khác sang đào trộm nên mất cũng khá nhiềuể. Không nói ra nhưng tôi biết dân làng âu lo khi cây lộc vừng ở làng Vân Trình, quê hương của ông Trần Văn Kỷ, một công thần dưới triều Tây Sơn, người đã khởi xướng việc trồng cây để giữ làng đã gần như bị "xóa sổ".
Sau nhiều vụ mất trộm cây, làng Siêu Quần và Phò Trạch thành lập một đội chuyên bảo vệ những hàng cây, chủ yếu là thanh niên trai tráng. Không kể thời tiết nắng ráo hay đêm hôm mưa bão bùng, họ đều đi tuần quanh làng để giữ cây quý. Ông Nguyễn Ðình Tấn, cán bộ xã Phong Bình, phụ trách văn hóa xã hội cho biết: "Xã cũng đã phối hợp dân làng trong việc bảo vệ rừng cây ấy. Ðó là việc nghiêm cấm mua bán, vận chuyển cây lộc vừng, cây sanh... đồng thời ràng buộc người dân bảo vệ rừng cây quý này theo hương ước, quy định của làng. Phương án phối hợp được thực hiện quyết liệt từ việc đưa vào hương ước của làng đến xử lý đối tượng theo pháp luật nhằm quyết tâm giữ "áo quan" cho làng cả hôm nay và mai sau.