Từ khi xuất lộ dấu vết các di tích (năm 2002) và đặc biệt từ khi nhận danh hiệu Di sản thế giới (năm 2010), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế: Dự án nghiên cứu thông qua Quỹ tín thác UNESCO - Nhật Bản; Dự án hợp tác với các chuyên gia khảo cổ học vùng Wallonie Bruxelles (Bỉ); Dự án hợp tác với các chuyên gia Pháp trong các lĩnh vực trùng tu, bảo tồn, triển lãm…
Các kết quả đạt được đã góp phần hữu hiệu cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản thế giới đặc biệt quan trọng này, thực hiện tám điểm cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới.
Cuộc tọa đàm “Chia sẻ kết quả nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” là một hoạt động tiếp tục theo hướng mở rộng các quan hệ giao lưu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và văn hóa.
Tại cuộc Tọa đàm, các chuyên gia khảo cổ học, sử học, bảo tồn, bảo tàng, lâm nghiệp, địa chất, kiến trúc đô thị, môi trường… đã có nhiều ý kiến tham luận đề cập đến nhiều lĩnh vực và nội dung nghiên cứu, hợp tác với vùng Ile de Paris (Pháp), vùng Wallonie Bruxelles (Bỉ) trong công tác bảo tồn, bảo quản, phục dựng… di tích, di vật trong các khu di sản cũng như kinh nghiệm quảng bá, tuyên truyền và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Các nhà khoa học dự Tọa đàm nêu các kiến nghị và định hướng để tiếp tục mở rộng nghiên cứu và hợp tác trong thời gian tới đối với Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội:
Đẩy mạnh nghiên cứu tại khu vực trung tâm, đăc biệt là nghiên cứu so sánh trong nước và các nước khu vực Đông Bắc Á, những kết quả nghiên cứu sẽ bổ sung tư liệu cho việc thực hiện Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên;
Bảo tồn Di sản (thực hiện điều 4 Luật Di sản văn hóa), không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc của di tích - di vật và đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam;
Phát huy giá trị di sản (thực hiện điều 27, Công ước 1972 về bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới), nghiên cứu, xây dựng bảo tàng tại chỗ và đưa giáo dục di sản trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn kế tiếp.