Xúc tiến thương mại trực tuyến

“Chìa khóa” kết nối bạn hàng cho doanh nghiệp trong bão dịch

NDO -

Đã có hơn 100 nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ kết nối thông qua xúc tiến thương mại (XTTM) trực tuyến giao thương, tìm kiếm đơn hàng. Đây được coi như “chìa khóa vàng” giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Một chương trình XTTM trực tuyến do Bộ Công thương tổ chức.
Một chương trình XTTM trực tuyến do Bộ Công thương tổ chức.

Tìm được bạn hàng nhờ môi trường trực tuyến

Từng có rất nhiều đơn hàng xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ sang châu Âu, châu Mỹ, dịch Covid-19 đã khiến Công ty TNHH Thương mại Dũng Chiến (Chương Mỹ, Hà Nội) bị “đóng băng” đầu ra. Ông Nguyễn Danh Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Dũng Chiến cho biết, lợi thế vì là doanh nghiệp hộ gia đình giúp Công ty TNHH Dũng Chiến không bị gián đoạn nhiều về sản xuất hay nhân công, song đầu ra cho sản phẩm đã hoàn toàn bị “đóng băng”.

Tuy nhiên, từ khoảng tháng 5 đến nay, Công ty TNHH Thương mại Dũng Chiến cùng 20 doanh nghiệp (DN) khác thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa đã được hỗ trợ tham gia các chương trình hội nghị, hội thảo trực tuyến và hỗ trợ quảng bá hàng hóa trên một số kênh thương mại điện tử. Từ đó, một số khách hàng đã tìm đến công ty. “Đặc trưng của sản phẩm thủ công mỹ nghệ là khách hàng phải kết nối, trải nghiệm sản phẩm, sau đó mới quyết định ký đơn hàng nên công ty chưa có được đơn hàng ngay trong giai đoạn này. Tuy nhiên qua tiếp xúc với nhiều bạn hàng, chúng tôi nhận thấy phía bạn thực sự có nhu cầu về sản phẩm và cơ hội ký đơn hàng vào cuối năm nay, đầu năm tới là tương đối khả quan, giúp DN kịp thời tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn này”, ông Nguyễn Danh Dũng cho hay. 

Công ty TNHH Dũng Chiến là một trong những DN đã được hưởng lợi lớn từ các hoạt động XTTM trực tuyến mà Bộ Công thương triển khai thời gian qua. Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công thương cho biết, trong bối cảnh các hoạt động XTTM truyền thống bị gián đoạn do Covid-19, để kịp thời hỗ trợ địa phương, DN khắc phục khó khăn, Bộ Công thương đã triển khai các hoạt động dẫn dắt, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và DN ứng dụng các nền tảng số vào công tác XTTM. Đến nay, đã có hơn 50 hội nghị quốc tế trực tuyến và hơn 500 phiên giao thương trực tuyến, phủ khắp năm châu được tổ chức thành công. Cục XTTM cũng hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Lâm Đồng, Yên Bái tổ chức thành công các hội nghị XTTM trực tuyến nhằm quảng bá và ký kết thỏa thuận tiêu thụ nông sản vào vụ như vải, nhãn, xoài, rau củ quả... 

“Theo thống kê sơ bộ, tổng số lượt DN Việt Nam và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến là khoảng 100 nghìn lượt với đa dạng các mặt hàng như: sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, đồ trang trí nội ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao...”, ông Lê Hoàng Tài cho biết.

Nhìn chung, môi trường trực tuyến giúp thu hẹp khoảng cách địa lý, do đó mỗi hoạt động XTTM trực tuyến đều thu hút được nhiều lượt tham dự, theo dõi từ các đơn vị tổ chức, cá nhân đến từ nhiều quốc gia. Các hoạt động XTTM trực tuyến của Cục XTTM đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía cộng đồng DN, được đánh giá cao về thông tin cụ thể và thiết thực liên quan trực tiếp đến việc sản xuất và cung cấp các thông tin thị trường cần thiết cho mục tiêu xuất khẩu của DN đối với các ngành hàng liên quan. Đồng thời đây cũng là cầu nối hiệu quả giữa các nhà cung cấp, nhà phân phối với các DN nhập khẩu, góp phần duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đánh giá về hiệu quả của phương thức XTTM trực tuyến với hoạt động của DN, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, ưu điểm vượt trội của kênh xúc tiến thương mại này là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN. DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Đặc biệt, xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về XTTM năm 2020, VINASME được Bộ Công thương giao chủ trì Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử B2B. Thông qua chương trình này, DN được hỗ trợ 100% chi phí mở tài khoản 2* trên kênh thương mại điện tử B2B Global Sources; 100% chi phí đào tạo nhân viên bán hàng B2B; 100% chi phí liên quan đến viết hồ sơ DN bằng tiếng Anh, 100% chi phí quảng cáo qua các kênh truyền thông của Global Sources dành cho tài khoản B2B 2*… 

Tham gia chương trình này, DN chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí tương đương một chuyến đi hội chợ nước ngoài khoảng 4 đến 5 ngày, song lại được sử dụng tài khoản đến 12 tháng. Với mỗi tài khoản mở ra, DN được sở hữu một trang tương tự như một website nhỏ để quảng bá, bán buôn hàng hóa. Hoạt động này được nhiều DN hưởng ứng và hiện có 20 DN của hiệp hội được chọn mở tài khoản, bắt đầu có được đơn hàng. 

Doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh

“Chìa khóa” kết nối bạn hàng cho doanh nghiệp trong bão dịch -0
 

Để tận dụng hiệu quả các phương thức XTTM trực tuyến, ông Lê Hoàng Tài khuyến cáo, bên cạnh tích cực tham gia các sự kiện XTTM do các đơn vị chức năng chủ trì, DN cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu; cập nhật thông tin nhà phân phối, nhà nhập khẩu tiềm năng, phù hợp với khả năng xuất khẩu của DN. Bên cạnh đó, tích cực trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý XTTM tại địa phương và trung ương, các Hiệp hội ngành hàng để nắm bắt các quy định mới (như các quy định trong các FTA thế hệ mới), giúp DN tháo gỡ các vướng mắc về quy định nguồn gốc xuất xứ, quy định thuế quan, phi thuế quan tại từng thị trường và có định hướng, chiến lược xuất khẩu phù hợp. Chủ động nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ kết nối giao thương trực tuyến hiệu quả.

Đặc biệt, thường xuyên cải thiện chất lượng hàng hoá, sản phẩm; chú trọng bao bì, nhãn mác, quy cách đóng gói; đáp ứng nhu cầu từ các nhà phân phối, nhà nhập khẩu trong và ngoài nước. Chủ động tìm hiểu, tiếp cận, khai thác thị trường, DN tại các thị trường/khu vực hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, tập trung đẩy mạnh XTTM đối với các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, các nước CPTPP.

Ông Lê Hoàng Tài nêu thí dụ, với mặt hàng mật ong, DN Việt Nam vẫn quen với việc đóng trong chai có cổ tròn, đến khi rót ra thì mật bị đọng tại cổ, có thể dụ dỗ kiến, côn trùng hoặc mật cô đặc lại, khó cho những lần rót sau. “Đây là những điểm nhỏ, song DN cần phải lưu ý. Vì XTTM dù với hình thức nào cũng chỉ là một yếu tố, điều quan trọng là hàng hoá của DN phải có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, điều đó mới giúp hàng hóa tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, ông Tài cho biết.