Khoản 3, Điều 5, Luật Bưu chính quy định về việc khuyến khích các doanh nghiệp bưu chính ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển; Chiến lược Phát triển Bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng doanh nghiệp công nghệ.
GIẢM CHI PHÍ, TĂNG NĂNG SUẤT
Ngành bưu chính Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng với doanh thu liên tục tăng qua các năm, từ hơn 28.000 tỷ đồng năm 2019 lên khoảng 70.000 tỷ đồng năm 2024. Cơ cấu doanh thu của ngành cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang dịch vụ gói, kiện với tỷ trọng tăng từ 76% lên 90% tổng doanh thu.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã và đang tạo ra khối lượng dữ liệu giao dịch khổng lồ, đòi hỏi ngành bưu chính có giải pháp khai thác dữ liệu hiệu quả để nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa vận hành. Với mạng lưới bưu cục trải rộng đến tận cấp xã, ngành bưu chính có lợi thế lớn trong việc thu thập, khai thác dữ liệu.
Phó Vụ trưởng Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) Vũ Chí Kiên cho biết: Khai thác hệ thống dữ liệu trong bưu chính là quá trình sử dụng kỹ thuật phân tích dữ liệu tiên tiến để trích xuất thông tin có giá trị từ khối lượng lớn dữ liệu nhằm hỗ trợ ra quyết định và tối ưu hóa hoạt động.
Việc khai thác dữ liệu đạt mức độ thời gian thực hoặc cận thời gian thực sẽ giúp các doanh nghiệp bưu chính tăng từ 30-40% độ chính xác trong dự báo thời gian giao hàng; giảm từ 25-35% số lượng khiếu nại thông qua dự đoán và ngăn ngừa; giảm từ 20-30% chi phí và tăng từ 15-25% năng suất lao động nhờ phân bổ nguồn lực thông minh cũng như cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Tuy nhiên, ngành bưu chính đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin của ngành còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý dữ liệu lớn; nhiều quy trình hoạt động còn phụ thuộc vào thao tác thủ công, dẫn đến tỷ lệ lỗi cao, khó mở rộng quy mô.
Dữ liệu được lưu trữ phân tán trên nhiều hệ thống khác nhau, thiếu tính kết nối, khó khai thác. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng chiến lược khai thác dữ liệu toàn diện chung của ngành trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp để ngành bưu chính nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa vận hành và tạo ra những giá trị mới cho khách hàng.
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC
Việc khai thác dữ liệu trong ngành bưu chính đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của thương mại điện tử và nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ logistics thông minh. Nhằm tối ưu hóa mạng lưới, các doanh nghiệp bưu chính đã áp dụng phân tích dữ liệu lớn để quy hoạch lại hệ thống điểm phục vụ và tuyến thu gom, phát.
Trong quản lý kho bãi, các hệ thống kho thông minh đang được nhiều doanh nghiệp triển khai với sự hỗ trợ của internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Cảm biến IoT được lắp đặt để theo dõi điều kiện môi trường, phương tiện vận tải và trạng thái hàng hóa, trong khi các thuật toán AI giúp tối ưu hóa việc sắp xếp và phân bổ không gian bên trong kho.
Đơn cử tại Công viên Logistics Viettel mới khai trương tại Lạng Sơn, Thượng tá Hoàng Trung Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết: Công viên Logistics được xây dựng theo các tiêu chuẩn cao nhất về công nghệ như IoT, 5G, AI, dữ liệu lớn (Big Data), Digital Twins (bản sao số) và tự động hóa (xe tự hành, robot tự hành chia chọn tự động), giúp tối ưu hóa các quy trình vận hành từ quản lý kho bãi, đến vận chuyển hàng hóa và thông quan, từ đó rút gọn quy trình giao nhận, giúp tiết kiệm được 40% chi phí logistics.
Ngày 20/12/2024 vừa qua, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Công ty DataStreams Corp (DataStreams) đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển mô hình ứng dụng sử dụng công nghệ Data Fabric (kết cấu dữ liệu) nhằm hợp nhất các hệ thống dữ liệu đa dạng của Vietnam Post, nâng cao tính thống nhất, tối ưu hóa hiệu quả quản lý dữ liệu và củng cố bảo mật an toàn thông tin.
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Post Phạm Anh Tuấn chia sẻ: Việc tích hợp dữ liệu thông qua Data Fabric sẽ hỗ trợ Vietnam Post đưa ra quyết định một cách toàn diện, thông minh hơn dựa trên khai thác, phân tích dữ liệu và sự kết nối chặt chẽ giữa các hệ thống; từ đó, thiết kế, phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn với xu hướng của thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Tuy nhiên, việc khai thác dữ liệu trong ngành bưu chính vẫn còn nhiều thách thức về chất lượng cũng như tính đồng nhất của dữ liệu, nhất là thiếu hụt nhân lực có kỹ năng phân tích cao cấp. Vụ trưởng Bưu chính Lã Hoàng Trung cho rằng, câu chuyện hợp tác về công nghệ là thiết yếu để kinh doanh tốt hơn, tạo động lực phát triển cho thị trường Bưu chính Việt Nam.
Chia sẻ ứng dụng số, hạ tầng vật lý là sáng kiến hay nhưng để dùng chung hiệu quả và bền vững thì phải có cơ chế rõ ràng. Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng khung pháp lý toàn diện để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành bưu chính, bao gồm hoàn thiện các quy định về quản lý, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu, cũng như cơ chế khuyến khích đầu tư vào công nghệ số.
Chúng ta cần có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các dự án đầu tư vào hạ tầng số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy hợp tác công-tư xây dựng, vận hành các nền tảng số dùng chung cho ngành bưu chính.