Tài chính là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của toàn nhân loại. Đó cũng là một trong những lý do khiến Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Ai Cập dành phiên họp đầu tiên mang chủ đề “Ngày tài chính” đề cập vấn đề “Tài chính khí hậu trong kỷ nguyên đa khủng hoảng”.
Theo ước tính, thế giới sẽ cần từ 4.000 đến 7.000 tỷ USD mỗi năm để thực hiện quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững và đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Theo ước tính, thế giới sẽ cần từ 4.000 đến 7.000 tỷ USD mỗi năm để thực hiện quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững và đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho phát triển và hành động khí hậu ở các nước đang phát triển và mới nổi đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn, ước tính lên tới 1.300 tỷ USD đến năm 2025 và 2.400 tỷ USD vào năm 2030.
Tại COP15 diễn ra ở Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, các nước phát triển đã cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển, song thực tế, chỉ một số quốc gia phát triển thực hiện cam kết này.
Phiên họp “Ngày tài chính” tại COP27 đã thảo luận một số khía cạnh của hệ sinh thái tài chính khí hậu, bao gồm tài chính đổi mới sáng tạo và hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi công bằng, phát hành nợ chính phủ phục vụ phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu; vai trò của khu vực tư nhân trong huy động các nguồn lực. Nguồn tài chính tư nhân được coi là thiết yếu để cung cấp hàng nghìn tỷ USD cần thiết cho mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Phiên họp cũng đề cập các kế hoạch thích ứng và nâng cao sức hấp dẫn của các dự án thích ứng biến đổi khí hậu đối với nhà đầu tư.
Nhà vận động cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập đồng thời là Ðặc phái viên của Liên hợp quốc về cung cấp tài chính cho phát triển bền vững 2030, ông Mahmoud Mohieldin nhấn mạnh, việc cung cấp tài chính hiệu quả và công bằng là chìa khóa để thực hiện các hành động khí hậu.
Ngân sách công của các nước đang phát triển hiện gánh 80% nguồn tài chính cho phát triển và hành động khí hậu, với 60% nguồn tài chính khí hậu là thông qua vay nợ. Ông Mohieldin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân và các ngân hàng phát triển quốc gia trong việc tài trợ cho hành động khí hậu. Trong khi đó, đại diện nước chủ nhà Ai Cập đã hối thúc các đối tác quốc tế nâng mức đóng góp để cung cấp hỗ trợ tài chính khí hậu cần thiết nhằm giúp tăng cường thích ứng, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu.
Tham vọng hành động khí hậu được xác định là hết sức quan trọng để mở khóa tài chính khí hậu. Việc tài trợ cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp ở các nước đang phát triển sẽ giúp hàng tỷ người thoát nghèo, tạo việc làm và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Tham vọng hành động khí hậu được xác định là hết sức quan trọng để mở khóa tài chính khí hậu. Việc tài trợ cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp ở các nước đang phát triển sẽ giúp hàng tỷ người thoát nghèo, tạo việc làm và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Các nước đang phát triển cần tài chính để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ khác phát thải ít carbon, cũng như đối phó tác động của thời tiết cực đoan.
Đối với những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu mà các nước phải chịu thiệt hại, nguồn tiền sẽ giúp cứu trợ nhóm người gặp rủi ro, sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu và phục hồi các dịch vụ như y tế và giáo dục. Theo các chuyên gia, các nước giàu nên nhận ra rằng, đầu tư vào hành động khí hậu ở các nước mới nổi và đang phát triển là một vấn đề công bằng, vì lợi ích sống còn bởi lượng khí thải cao trước đây và hiện nay của họ gây tác động nghiêm trọng.
Trong thập kỷ tới, cùng với kết cấu hạ tầng, năng lượng tiêu thụ được dự báo sẽ gia tăng chủ yếu tại các nước mới nổi và đang phát triển. Nếu các nước này tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phát thải, thế giới sẽ không thể tránh khỏi tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm, gây thiệt hại cũng như hủy hoại hàng tỷ sinh mạng và sinh kế ở cả các nước giàu và nghèo. Bởi thế, chuyển đổi sang kinh tế xanh là xu thế tất yếu, song rất tốn kém. Tìm kiếm nguồn tài chính tiếp tục là vấn đề sống còn, là chìa khóa để thế giới thực hiện các tham vọng về chống biến đổi khí hậu.