Chỉ số hàng hóa MXV-Index kết thúc chuỗi tăng 6 phiên

NDO - Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 19/4, sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới, kéo chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 1,37% xuống 2.340 điểm, chấm dứt chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đến thị trường ghi nhận sự gia tăng mạnh, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 10%, đạt trên 3.800 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Dầu thô giảm mạnh nhất trong một tháng

Lực bán quay trở lại thị trường dầu, với giá dầu thô WTI giảm 2,05% về 79,24 USD/thùng, và giá dầu thô Brent đóng cửa giảm 1,95% về 83,12 USD/thùng.

Sức ép bán xuất hiện ngay từ phiên sáng, ngay cả khi báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ giảm trong tuần kết thúc ngày 14/4.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index kết thúc chuỗi tăng 6 phiên ảnh 1

Ngoài các tin tức về đợt cắt giảm mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), thị trường dầu không có động lực tăng nào quá rõ ràng. Trái lại, những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến cho rủi ro suy thoái ngày càng hiện hữu, và lấn át các sức ép nguồn cung.

Bên cạnh đó, dầu cũng được niêm yết và giao dịch bằng đồng USD, nên sự hồi phục của đồng bạc xanh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu toàn cầu.

Các công ty dầu đá phiến của Mỹ hiện cũng được kỳ vọng sẽ bù đắp khoảng trống mà OPEC+ để lại, vị thế đồng USD mạnh hơn sẽ khiến cho chi phí kinh doanh và nhập khẩu dầu thô đắt hơn trên toàn cầu. Chỉ số Dollar Index hồi phục nhẹ lên 101,97 điểm trong hôm qua.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index kết thúc chuỗi tăng 6 phiên ảnh 2

Trong hôm qua, báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 4,6 triệu thùng, mạnh hơn cả số liệu của API và ước tính trước đó của giới phân tích.

Tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm khoảng 400.000 thùng, trái lại tồn kho xăng tăng 1,3 triệu thùng. Việc tồn kho các sản phẩm lọc dầu không giảm mạnh như dự báo, cộng với việc tổng sản phẩm được cung cấp trong tuần qua đạt 19,32 triệu thùng và vẫn ở dưới mức trung bình 4 tuần, cho thấy tình hình tiêu thụ nội địa của Mỹ có dấu hiệu suy yếu.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng lên 4,57 triệu thùng, cao hơn gần 70% so với tuần kết thúc ngày 7/4, phản ánh nhu cầu gia tăng đối với dầu thô của Mỹ khi mà nguồn cung từ phía OPEC+ bị gián đoạn.

Trên thị trường hàng thực, việc giá dầu thô tăng cao trong các tuần gần đây đã làm giảm lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu tại châu Á, khiến cho nhu cầu nhập khẩu của khu vực này có thể sẽ yếu hơn trong thời gian tới.

Đồng thời, việc nguồn cung dầu từ Nga vẫn ổn định ngay cả sau thông báo cắt giảm 500.000 thùng/ngày khiến các nhà đầu tư đánh giá lại và không còn quá lo ngại về đợt cắt giảm của OPEC+.

Theo Reuters, xuất khẩu dầu từ các cảng phía tây của Nga trong tháng 4 đạt mức cao nhất kể từ năm 2014, tương đương với 2,4 triệu thùng/ngày.

Thị trường dầu đang đối mặt với rất nhiều rủi ro giảm giá, sau khi mà những lo ngại về nguồn cung đã được phản ánh hết lên giá, MXV nhận định.

Nguồn cung nới lỏng gây sức ép lên giá ngô và lúa mì

Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, ngô đã giảm hơn 1%, sau 3 phiên liên tiếp tăng giá. Ngay từ mở cửa, phe bán đã hoàn toàn áp đảo và duy trì đà giảm đến cuối phiên. Triển vọng nguồn cung tốt là yếu tố đã tạo sức ép lên giá trong phiên vừa rồi.

Hôm qua, Ba Lan cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận về việc khởi động lại vận chuyển ngũ cốc Ukraine thông qua lãnh thổ của mình, đồng thời bổ sung việc giám sát và niêm phong.

Bên cạnh đó, Romania cho biết cũng sẽ niêm phong và giám sát các lô hàng ngũ cốc từ Ukraine quá cảnh qua nước này và tiến hành kiểm soát chất lượng đối với thực phẩm tại các trạm kiểm soát biên giới.

Mặc dù các lệnh cấm nhập khẩu vẫn được duy trì, tuy nhiên, việc ngũ cốc Ukraine vẫn được vận chuyển qua biên giới phía tây qua các nước Đông Âu sẽ phần nào xoa dịu lo ngại về nguồn cung, khiến giá chịu áp lực bán.

Tại Brazil, Tiến sĩ Cordonnier, chuyên gia tại Hãng tư vấn Soybean&Corn cho biết, tình trạng ngô vụ 2 đang khá tốt dù có nguy cơ xảy ra sương giá ở phía nam.

Các cơ quan dự báo thời tiết ở Brazil mới đây đã cảnh báo về khả năng xuất hiện sương giá vào cuối tuần này ở miền nam nước này, nhưng phần lớn ngô vụ 2 vẫn duy trì tình trạng ổn định. Điều này vẫn đang cho thấy triển vọng mùa vụ tốt tại Brazil, từ đó gây sức ép lên giá.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index kết thúc chuỗi tăng 6 phiên ảnh 3

Tương tự ngô, lúa mì cũng đã đã đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm hơn 2% trong phiên vừa rồi. Sau giai đoạn giằng co khi mở cửa, phe bán đã dần chiếm ưu thế và khiến giá chịu áp lực. Việc xuất khẩu của Nga được đẩy mạnh là thông tin lý giải cho diễn biến giá trong phiên vừa rồi.

Liên minh Ngũ cốc Nga (RGU) cho biết xuất khẩu ngũ cốc của Nga từ đầu niên vụ 22/23 tới ngày 17/04 đạt 47,8 triệu tấn, bao gồm 41,6 triệu tấn lúa mì. Trong vòng 17 ngày đầu tháng 4, Nga đã xuất khẩu 2.85 triệu tấn ngũ cốc, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các lô hàng lúa mì chiếm 2,34 triệu tấn, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

RGU cho biết, nếu duy trì tốc độ này, Nga có thể xuất khẩu 4,4 triệu tấn lúa mì trong tháng 4. Bất chấp sự không chắc chắn của thỏa thuận ngũ cốc biển Đen, việc Nga đẩy mạnh xuất khẩu trong tháng này là yếu tố gây sức ép lên giá lúa mì trong phiên vừa rồi.

Giá thịt lợn hơi tăng đến 5.000 đồng/kg

Trên thị trường nội địa, giá nông sản nhập khẩu được chào bán tại cảng Cái Lân và Vũng Tàu có xu hướng điều chỉnh giảm. Tại cảng Cái Lân, giá ngô Mỹ được chào bán trong khoảng 7.800-8.250 đồng/kg đối với kỳ hạn giao các tháng quý II. Còn với kỳ hạn giao quý III năm nay, giá chào bán chỉ ở mức 7.100-7.300 đồng/kg.

Những nhịp điều chỉnh giảm của thị trường tạo ra các cơ hội mua hàng cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh xu hướng giá nông sản thế giới vẫn chưa rõ ràng và giá nhập khẩu nhìn chung vẫn neo ở mức khá cao.

Giá nguyên liệu đầu vào cao là nguyên nhân trực tiếp khiến giá thành phẩm đầu ra ngành chăn nuôi chưa thể hạ nhiệt.

Ghi nhận trong sáng nay, giá thịt heo hơi trên toàn quốc bất ngờ ghi nhận đà tăng khá mạnh. Một số địa phương khảo sát, giá tăng đến 5.000 đồng/kg. Nhìn chung, thịt lợn hơi nội địa dao động trong khoảng 51.000-55.000 đồng/kg.